KINH TẾ Tài chính Ngân hàng

Cân nhắc giảm mức trích vào Quỹ dự phòng tài chính và Quỹ đầu tư phát triển

Tuyết Trang

Góp ý Dự thảo Nghị định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, VCCI đề nghị cân nhắc giảm mức trích vào Quỹ dự phòng tài chính và Quỹ đầu tư phát triển.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của Bộ Tài chính.

Theo đó, tại Điều 24.3.b và Điều 25.3.b của Dự thảo quy định về việc xử lý lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. So với quy định hiện hành, Dự thảo đề xuất thay đổi mức trích quỹ như sau: Tăng mức trích Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ từ 5% lên 10%, giảm trích Quỹ dự phòng tài chính từ 10% xuống 5%, giảm mức trích Quỹ đầu tư phát triển từ 25% xuống 20%.

Dự thảo đề xuất, tăng mức trích Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ từ 5% lên 10%, giảm trích Quỹ dự phòng tài chính từ 10% xuống 5% (Ảnh: ST)

Liên đoàn Thương mại và cho rằng, việc trích lập các Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, Quỹ dự phòng tài chính và Quỹ đầu tư phát triển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho các ngân hàng.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng của Việt Nam chưa thực sự vững mạnh trước những biến động tài chính trong nước cũng như thế giới, rất cần ưu tiên nguồn lực tài chính để các ngân hàng có thể cải thiện các hệ số an toàn cũng như khả năng chống chịu biến động. Do đó, VCCI đề nghị cân nhắc lại về đề xuất giảm mức trích vào các Quỹ dự phòng tài chính và Quỹ đầu tư phát triển.

Liên quan đến nội dung xử lý về tổn thất tài sản, VCCI cho rằng, Điều 11.1 của Dự thảo quy định khi bị tổn thất về tài sản, tổ chức tín dụng phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường.

Tuy vậy, trên thực tế, việc xác định thiệt hại gây ra do nguyên nhân chủ quan hay khách quan không phải việc đơn giản. Bộ luật dân sự không sử dụng các khái niệm nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà sử dụng khái niệm “bên có lỗi gây thiệt hại”.

Thêm vào đó, Điều 11.1 cũng quy định thẩm quyền quyết định mức bồi thường thực hiện theo Điều lệ tổ chức tín dụng. Quy định này cũng không phù hợp với Điều 585 của Bộ luật Dân sự, khi mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thoả thuận hoặc yêu cầu Toà án giải quyết.

Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo áp dụng các nguyên tắc và thuật ngữ đã được sử dụng trong Bộ luật Dân sự để bảo đảm thống nhất trong quá trình áp dụng.