Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nước ta đã tiêu thụ gần 2,74 triệu tấn thép thành phẩm trong tháng 10, cao hơn 9,4% so với tháng 9 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng đến từ thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và SPM.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận hơn 1,25 triệu tấn được bán ra, tăng lần lượt gần 34% và 44% so với tháng trước và cùng kỳ 2023. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng sản lượng tiêu thụ của hầu hết loại thép tại thị trường nội địa đều tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nhu cầu từ cả lĩnh vực xây dựng và công nghiệp duy trì trạng thái tích cực. Nhóm phân tích này nhận định giá thép xây dựng đã tạo đáy nhờ vào mức tồn kho thấp kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi chậm và nhu cầu tiêu thụ thép cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng duy trì tăng trưởng.
Ngoài ra, ngành thép nội địa cũng đang hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ được tăng cường giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh. Hồi cuối tháng 10, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng cách áp thuế với thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc, Hàn Quốc theo đó tạo đà tiêu thụ thép tốt hơn.
Trước đó khi nhận định về thị trường thép trong 10 tháng của năm 2024 và triển vọng cho năm 2025, bà Võ Thị Ngọc Hân - Giám đốc Nghiên cứu cao cấp ngành công nghiệp và công nghệ, Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) chỉ ra rằng, trong bức tranh toàn cảnh ngành thép thế giới, có thể thấy có cả những gam màu sáng và tối với dấu hiệu hồi phục từ vùng đáy.
Đối với ngành thép Việt Nam, đây là một trong những điểm sáng nổi bật trên “bản đồ” thép toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thành viên trong 10 tháng của năm 2024 đạt 26 triệu tấn, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này đặc biệt ấn tượng khi so sánh với dự báo toàn cầu, vốn đang giảm 1%.
Kết quả này chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh, đạt 17 triệu tấn trong 10 tháng, tăng 18% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng nội địa không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận, nhờ tỷ suất lợi nhuận thường cao hơn so với xuất khẩu.
Hơn nữa, sự hồi phục nhu cầu thép nội địa còn được dẫn dắt bởi thép xây dựng, với sản lượng đạt 10 triệu tấn trong 10 tháng, tăng 8,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Điều này phần lớn nhờ vào giải ngân mạnh mẽ của các dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành và sự tái khởi động một số dự án bất động sản sau khi được cấp giấy phép xây dựng.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo trong các tháng còn lại của năm 2024, các chính sách hỗ trợ tái thiết và phục hồi sau bão của Chính phủ sẽ tác động đến nhu cầu của thép. Quý IV cũng là thời điểm thích hợp triển khai, đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng. Đồng thời thị trường thép xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.
“Tính chung cả năm 2024, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép có thể đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023”, VSA nhận định.
VSA cũng dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi. Điều này một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Liên quan đến ngành thép, một số chuyên gia cũng nhìn nhận, thời gian tới, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ hồi phục rõ nét hơn, kéo theo nhu cầu cả về nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm gia tăng, dẫn tới giá bán tăng, ảnh hưởng đến giá thép trên thị trường Việt Nam. Khi đó, những doanh nghiệp thép dự trữ nguyên liệu có giá thấp từ trước sẽ được hưởng lợi, biên lợi nhuận tốt hơn.
Trước mắt, để "vực" dậy ngành thép, theo các chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành thép. Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.
Song song với đó cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…
Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị các Hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tú Anh (t/h)