Bé trai 16 tuổi thoát "cửa tử" nhờ kỹ thuật "ngủ đông"

Tuyết Trang
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thông tin về trường hợp bé trai 16 tuổi thoát "cửa tử" nhờ phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.

Người bệnh P.X.H. (16 tuổi), trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch, được người dân đưa vào Trung tâm y tế huyện cấp cứu sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, các tổn thương ở vùng trán rất phức tạp. Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa trong bệnh viện, người bệnh đã được phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ dưới màng cứng, lấy mảnh xương vỡ và được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu yêu cầu.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu yêu cầu, người bệnh vẫn hôn mê sâu, huyết áp phụ thuộc vận mạch, sốt cao liên tục, không đáp ứng các thuốc hạ sốt thông thường.

Sau khi hội chẩn giữa các bác sĩ trong khoa dưới sự chủ trì của TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa, người bệnh được áp dụng kĩ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy theo đích. Thân nhiệt của người bệnh được đưa về 36,4 độ theo sự điều chỉnh liên tục của máy.

Bé trai 16 tuổi thoát "cửa tử" nhờ kỹ thuật "ngủ đông"- Ảnh 1.

Bệnh nhân được điều trị bằng kĩ thuật Hạ thân nhiệt chỉ huy theo đích

Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh, được rút ống nội khí quản, hết sốt. Hiện tại, ngày thứ 9 sau phẫu thuật người bệnh tỉnh táo, giao tiếp tốt, hoạt động nhẹ nhàng và được xuất viện.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu yêu cầu cho biết: Đây là một ca bệnh rất nặng, bị tổn thương phức tạp có tiên lượng tử vong cao. Nhờ áp dụng các kĩ thuật cao, hiện đại của bệnh viện, cùng sự chuyên nghiệp của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu đã giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm, trở lại với cuộc sống thường ngày.

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, ThS.BSCKII Nguyễn Văn Lữ - Trưởng Khoa Hồi sức theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật hồi sức thần kinh tiến bộ đã được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo vệ và hồi phục chức năng thần kinh ở những người bệnh ngừng tuần hoàn.

Thành công trong áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ góp phần cứu sống các bệnh nhân tổn thương não cấp sau ngừng tuần hoàn, cũng như sau chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch não…

Hạ thân nhiệt (hạ thân nhiệt bảo vệ) đã được biết là có tác dụng có lợi từ thời Hippocrates và Napoléon Bonaparte. Song cho đến năm 1950, phương pháp hạ thân nhiệt mới được sử dụng rộng rãi cho các ca phẫu thuật phình động mạch não.

Phương pháp điều trị này nhằm mục đích làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, tương tự như trạng thái ngủ, nhằm bảo tồn não và các cơ quan quan trọng khác, nâng cao cơ hội hồi phục cho bệnh nhân.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu, sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để cơ thể người bệnh xuống mức dưới 36°C (33-36°C) và nhiệt độ này được duy trì trong một thời gian nhất định.

Sau đó sẽ làm ấm bệnh nhân trở lại, với tốc độ tăng nhiệt được yêu cầu cực kỳ chặt chẽ và chính xác, nâng dần nhiệt độ bệnh nhân cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Phương pháp này giúp giảm chuyển hóa cơ thể (giống trạng thái ngủ), giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó các tế bào não được hồi phục, tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân trong hồi sức cấp cứu tim mạch…

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điều trị hạ thân nhiệt chỉ huy đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn.

Hiện nay, phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đã được đưa vào quy trình cấp cứu hồi sinh bệnh nhân ngừng tuần hoàn và được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Ở Việt Nam, kỹ thuật này cũng được áp dụng tại nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương, đem lại hiệu quả điều trị vượt trội.

Minh Hoa (t/h)