Việc sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp, hỗ trợ chăm sóc da là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh chân chính vẫn có không ít đơn vị vì lợi nhuận mà bất chấp quy định pháp luật cố tình thổi phồng công dụng mỹ phẩm như thuốc trị bệnh. Phải chăng việc làm này nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng khi bị một số loại bệnh da liễu thường mua sản phẩm để điều trị?
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên thời gian qua, Chất lượng Việt Nam ghi nhận không ít đơn vị vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm.
Nhiều độc giả phản ánh hệ thống thương hiệu Coco Shop quảng cáo mỹ phẩm sai công dụng.
Cụ thể, qua đường dây nóng của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), nhiều độc giả phản ánh thương hiệu Coco Shop thuộc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư xuất nhập khẩu Việt Nam có địa chỉ tại số 10, ngõ 59 Hoàng Cầu, P. Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội với hệ thống cửa hàng ở nhiều tỉnh/thành miền Bắc như tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên... đang “thổi phồng” công dụng một số sản phẩm mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh nhằm đánh vào tâm lý người dùng.
Có thể thấy rõ ngay điều này trên website bán hàng ở địa chỉ https://cocoshop.vn khi thương hiệu này liên tục quảng cáo nhiều sản phẩm mỹ phẩm với công dụng trị mụn, trị sẹo, trị nám, trị rạn da...
Cụ thể, sản phẩm Melasma-X 3D Whitening Clinic được quảng cáo xuất xứ từ Hàn Quốc với công dụng trị nám, tàn nhang. Trang webste này mô tả: Melasma-X là kem điều trị làm trắng da, giảm nám, tàn nhang trong khi sản phẩm này chỉ là mỹ phẩm, chỉ có tác dụng chăm sóc da chứ không có công dụng điều trị.
Hay sản phẩm Ciracle cũng chỉ là mỹ phẩm chăm sóc da nhưng thương hiệu này lại quảng cáo với công năng "kem đặc trị mụn Ciracle hết sức thần thánh, trị dứt điểm các loại mụn trong thời gian ngắn nhất được 98% khách hàng hài lòng với sản phẩm sau khi sử dụng". Ngoài ra, nhiều sản phẩm là tinh chất, serum cũng được quảng cáo với công dụng trị mụn như: EUCERIN được quảng cáo có xuất xứ từ Đức...

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm trên website quảng cáo công dụng trị nám, tàn nhang.
Để người tiêu dùng "xuống tiền" mua sản phẩm, trang bán hàng này còn thổi phồng nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác với công dụng trị sẹo, trị rạn da, trị viêm nang lông...
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về việc thổi phồng công dụng của mỹ phẩm mà thương hiệu Coco Shop thực hiện để lừa dối người tiêu dùng. Có mặt tại các cửa hàng bán sản phẩm của hệ thống này ở đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, khi được hỏi về công dụng nhiều loại mỹ phẩm nhân viên tư vấn cũng nhiệt tình "thổi phồng" công dụng và khẳng định các sản phẩm mỹ phẩm có công dụng điều trị như trang website quảng cáo.
Theo thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nếu đối chiếu quy định trên có thể thấy, các hoạt động quảng cáo trên website kể trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa mỹ phẩm với thuốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu thương hiệu Coco Shop thuộc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư xuất nhập khẩu Việt Nam liệu đã được cấp phép trước khi đưa ra thị trường hay chưa? Nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường khi đã sử dụng sản phẩm?

Người tiêu dùng không nên chọn mua những sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng tại đây.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hoạt động kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Zalo, Facebook…) diễn ra ngày càng nhiều, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.
Qua công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ đã công bố, thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không thông báo với cơ quan quản lý theo quy định. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; Một số sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng lại quảng cáo vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Mỹ phẩm được quảng cáo với công dụng trị viêm nang lông.
Cũng theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần, công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh sản phẩm nêu trên.