Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung và chồng là anh Hoàng Ngọc Bách đều 34 tuổi, sống ở phố cổ Hà Nội, hiện làm cho một công ty có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng. Hai vợ chồng chị Nhung lấy nhau đã 8 năm, hiện có một bé gái 7 tuổi, đang có ý định sinh thêm con thứ hai nhưng đợi mãi chưa có tin vui.
Vợ chồng chị cho rằng, có lẽ việc chưa có con một phần cũng là do không gian sống quá chật chội, làm ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng đời sống chăn gối.
Nhà ở phố cổ, 3 thế hệ gia đình chị Nhung ở trong một con ngõ sâu hun hút, điện bật suốt ngày. Gia đình có 5 người nhưng không gian sống chỉ chưa đầy 20 mét vuông, đôi khi chỉ một cái cựa mình là phòng bên cạnh đã phát hiện. Vì thế, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, nhất là những chuyện tế nhị.
Thời còn yêu nhau, anh Bách chỉ đưa chị Nhung về ra mắt tại nhà đúng một lần trước khi cưới. Thấy không gian chật hẹp, chị Nhung cũng lo lắng, nhưng chồng động viên sau này sẽ mua căn chung cư bên ngoài để ở riêng nên chị yên tâm.
“Đến nay đã 8 năm, hai vợ chồng cũng cố gắng lắm nhưng mãi chẳng thể với được đến giấc mơ có tổ ấm riêng”, chị Nhung tâm sự.
Bỏ qua những câu chuyện cơm áo, gạo tiền, cuộc sống chật chội cũng khiến việc sinh hoạt vợ chồng gặp vô vàn khó khăn.
Thậm chí, có những hôm dù hai vợ chồng rất muốn ân ái nhưng đành “nhịn” vì sợ ảnh hưởng đến bố mẹ và con.
Đã có lần họ gặp tình huống dở khóc, dở cười như những tiếng động lạ phát ra trong đêm khiến bố mẹ thức giấc, hay mỗi khi đang “hành xử” thì bố mẹ dậy đi vệ sinh.
“Thời gian đầu bố mẹ có vẻ hơi khó chịu, sau hiểu tâm lý các con nên 5h sáng ông bà đã dậy đi ra bờ hồ thể dục. Tưởng rằng lúc đó hai vợ chồng có không gian riêng, ai ngờ đang lên đến cao trào thì nhà hàng xóm thức giấc. Họ nghe tiếng động lạ thì cố tình mở cửa mạnh, đi lê dép ngoài hàng lang như để cảnh cáo chúng tôi”, vợ chồng chị Nhung kể lại câu chuyện thật như đùa.
Gần đây, vì mong muốn có thêm bé thứ hai khi tuổi ngày càng lớn, hai vợ chồng chị Nhung đã đi khám. Khi nghe anh chị kể về những bất cập trong cuộc sống, bác sĩ đã tư vấn hai người nên tìm không gian riêng, bởi vấn đề tâm lý cũng ảnh hưởng đến việc thụ thai, đặc biệt anh Bách còn bị xuất tinh sớm thứ phát (trước đây không bị, nhưng do tác động từ yếu tố môi trường nên dẫn tới tình trạng này).
Vậy là hai tháng nay, vợ chồng chị Nhung tranh thủ cuối tuần lấy lý do làm thêm, tăng ca gửi chon cho ông bà để “hẹn hò” nhau ở nhà nghỉ.
Hiện tin vui chưa có nhưng hai vợ chồng anh Bách cảm thấy tinh thần phấn chấn lên rất nhiều, khi cả hai có không gian riêng tư, được làm những điều mình muốn. Anh Bách bật mí rằng: “Khi ở nhà mình cảm thấy “yếu” lắm, thế nhưng ra chốn riêng tư thì mọi thứ cải thiện rất nhiều.
Cả hai đều vui và thỏa mãn, hy vọng tin vui sẽ sớm đến với vợ chồng tôi”. Dự định dịp nghỉ lễ tới đây, anh chị sẽ tìm một địa điểm nào đó ở ngoại thành để “đổi gió”, mong sớm có tin mừng.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Thị Hải Yến (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thực tế trong quá trình khám và tư vấn, bác sĩ gặp rất nhiều nam giới bị xuất tinh sớm do những tác động từ ngoại cảnh.
Điển hình như trường hợp của cặp vợ chồng trên là do không gian nhà ở quá chật hẹp, khiến cho quá trình ân ái không thoải mái, không đạt được khoái cảm và hưng phấn.
Không chỉ nam giới, thạc sĩ Hải Yến cũng cho rằng, yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người phụ nữ, gây cho họ sự thấp thỏm, lo lắng mỗi khi ân ái, từ đó khiến chất nhờ âm đạo tiết ra không đủ, gây đau rát, giảm hứng thú tình dục…
“Có nhiều cặp đôi đến viện khám tâm sự rằng, do không gian chật hẹp nên mỗi khi quan hệ hai vợ chồng luôn phải suy nghĩ hoặc để ý xem ngoài kia con có khóc không, mọi người đã ngủ hết chưa, hay quan hệ làm sao để không được tạo tiếng động, không kêu la vì sợ bố mẹ hoặc người thân ở bên cạnh nghe tiếng...
Tất cả những điều này đều làm giảm sự tập trung, mất hứng thú và hưng phấn, khiến cho nam giới xuất tinh nhanh hơn, lâu dần thành thói quen” thạc sĩ Hải Yến phân tích.
Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ cho rằng thay đổi môi trường và không gian sống là biện pháp hữu hiệu, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào kinh tế mỗi gia đình. Do vậy, phương án trước mắt là các cặp đôi có thể ra khách sạn, nhà nghỉ hay đi dã ngoại, du lịch để cải thiện tình trạng và làm mới cuộc yêu.
“Điểm mấu chốt ở đây là sự giao tiếp, sẻ chia của hai vợ chồng. Đôi khi cả hai đều biết về sự không thoái mái đó nhưng lại không nói chuyện để tìm cách giải quyết, chính điều này sẽ làm tình trạng trầm trọng hơn. Khi có sự chia sẻ thì cả hai sẽ cùng đi tìm cách giải quyết vấn đề triệt để nhất.
Với những trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề như nam xuất tinh sớm mãn tính, nữ không có ham muốn tình dục thì cần tiến hành trị liệu, thậm chí là trị liệu cặp đôi - có nghĩa là cả 2 vợ chồng cần có sự tư vấn của bác sĩ, chứ không phải chỉ riêng vợ hoặc chồng”, thạc sĩ Đặng Thị Hải Yến thông tin.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Lê Phương (Người đưa tin)