Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) vừa công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 1/2023 với nợ xấu tăng 464 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên mức 1.573 tỷ đồng. Đồng thời, ghi nhận sự chuyển dịch của nợ nhóm 3,4 sang nợ nhóm 5.
BaoVietBank không trích lập dự phòng trong 3 tháng đầu năm.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 54,6% xuống còn 115,2 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng giảm nhẹ 0,6% xuống 108,2 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 80,9% đạt mức gần 1.350 tỷ đồng, chiếm 85,8% trong cơ cấu nợ xấu của BaoVietBank. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,34% đầu năm lên 4,69%.
Mặc dù nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nợ nhóm 5 nhưng BaoVietBank không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 3 tháng đầu năm.
Ngoài khoản nợ xấu 1.573,4 tỷ đồng nội bảng, BaoVietBank cũng đang sở hữu khoản nợ xấu 2.614,4 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu đặc biệt do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành. Do đó ngân hàng này phải trích lập dự phòng 864,3 tỷ đồng cho khoản nợ này.
Mặc dù không trích lập dự phòng trong quý 1/2023 nhưng kết quả kinh doanh của BaoVietBank không mấy khả quan khi lợi nhuận trước thuế giảm 22,7% so với cùng kỳ.
So với quý 1/2022, nguồn thu chính của BaoVietBank là thu nhập lãi thuần giảm 34,1% xuống mức 119,6 tỷ đồng, nguyên nhân là do chi phí lãi tăng mạnh. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 17,8% xuống còn 15,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối thu về hơn 18 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 9,4 tỷ đồng, tăng 28,5%; lãi từ hoạt động 141,5 tỷ đồng cao gấp 12,2 lần.
Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, BaoVietBank tiếp tục báo lỗ 110,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 63,3 tỷ đồng).
Trong kỳ, chi phí hoạt động của ngân hàng là 186,3 tỷ đồng, tăng 20,3% và không trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của BaoVietBank chỉ đạt 6,8 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 22,7% so với quý 1/2022.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của BaoVietBank đạt 75.211,5 tỷ đồng, giảm 3,9% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 61,3% xuống còn 450,2 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng nhẹ 1,06% lên 33.547,2 tỷ đồng,...
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 6,5% so với đầu năm lên mức 44.085,7 tỷ đồng; Tiền gửi và vay các TCTD khác 15,9% xuống còn 23.850,8 tỷ đồng...
Kết thúc quý 1/2023, BaoVietBank đang nắm giữ 454,2 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại mục chứng khoán kinh doanh; 2.440 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và 349 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Hồi đầu năm 2022, BaoVietBank là 1 trong 8 ngân hàng bị NHNN thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Ngân hàng TMCP Bảo Việt được thành lập vào năm 2008, là thành viên trực thuộc Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Hiện BaoVietBank có số vốn điều lệ là 3.150 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ 49,52% cổ phần và cổ đông khác nắm giữ 50,48%. Theo quy định của pháp luật, 1 cổ đông cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ; cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại BaoVietBank, Tập đoàn Bảo Việt là một ngoại lệ khi nắm giữ gần 50% vốn diều lệ của ngân hàng này. |
Kim Thương
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ty-le-no-xau-cua-baovietbank-cham-nguong-469-loi-nhuan-sau-thue-lao-doc-a105425.html