Thanh tra chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần ngân hàng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ kế hoạch thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu tại các nhà băng để ngăn tình trạng sở hữu chéo trong năm nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tình trạng sở hữu cổ phần, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định. Điều này dẫn đến tình trạng tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo khó khăn ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành. Thực tế, đối tượng quản lý của Ngân hàng Nhà nước chỉ là các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc sở hữu chéo giữa các công ty trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như không có công cụ để kiểm soát.
Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định về sở hữu chéo, sở hữu vượt quy định hoặc lách các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan.
Điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
Định hướng cho thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước báo cáo tiếp tục giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn… Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đối với các trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đồng thời, cán bộ ban, ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn tại các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn cho các tổ chức tín dụng...
Siết cho vay sân sau
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến. Cơ quan soạn thảo dự kiến siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.
Bên cạnh đó, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng (quy định hiện nay là 5%). Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/sap-thanh-tra-viec-chuyen-nhuong-co-phan-co-phieu-tai-cac-ngan-hang-a105845.html