Người dùng Việt ngày càng "thờ ơ" với tiền mặt

Tổng giá trị giao dịch chuyển mạch ATM (rút tiền mặt) chỉ chiếm 5,4% tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), dịch vụ Chuyển tiền nhanh 24/7 trên ứng dụng Internet banking, Mobile banking của các ngân hàng là dịch vụ được khách hàng tin dùng với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 3 lần từ 2018 đến 2020.

NAPAS cho biết thêm, tổng giá trị giao dịch chuyển mạch ATM (rút tiền mặt) chỉ chiếm 5,4% tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống này. Trong khi đó, tỷ trọng về giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 qua hệ thống NAPAS đã tăng 11 lần, từ 6,3% vào năm 2015 lên 93,5% vào năm 2020.

Thói quen tiêu dùng của người Việt đang dần thay đổi khi những đồng tiền mặt đang dần được thế chỗ bằng những tấm thẻ ngân hàng hay ví điện tử. Thanh toán không tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng. Khi người tiêu dùng duy trì thường xuyên thói quen thanh toán này, cả nền kinh tế vĩ mô sẽ được hưởng lợi theo.

Người dùng Việt ngày càng thờ ơ với tiền mặt - Ảnh 1.
 

Theo các chuyên gia, năm nay, thị trường tài chính ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng chịu nhiều thách thức, tác động lớn do ảnh hưởng từ diễn biến bất thường của thiên tai và đại dịch COVID-19, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.

Theo số liệu khảo sát thanh toán người tiêu dùng Việt Nam gần đây do Visa thực hiện, hiện có 37% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, 85% người cho rằng họ thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này với tần suất ít nhất một lần một tuần.

 

Theo Ngọc Linh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nguoi-dung-viet-ngay-cang-tho-o-voi-tien-mat-a10610.html