Không chuẩn từ đầu, hàng Việt sẽ khó "lên kệ" siêu thị nước ngoài

Chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm địa phương ra thị trường quốc tế, CEO Công ty CP Dh Food cho biết, doanh nghiệp (DN) nên làm chuẩn ngay từ đầu. Đây là nền tảng để phát triển lâu dài bởi nếu không cơ hội sẽ đi qua...

2 vấn đề cốt lõi
 
Tại hội nghị "Kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài, thời gian qua Bộ Công Thương đã và đang triển khai một loạt hoạt động xúc tiến thương mại.
 
Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ bộ nhận thấy có 2 vấn đề cơ bản cần phải giải quyết để hàng hóa Việt Nam có thể lên được kệ siêu thị nước ngoài.
 
Thứ nhất, do các DN đa phần có quy mô vừa và nhỏ nên sản lượng sản xuất về cơ bản không đạt quy mô thương mại. Khi khách hàng nước ngoài đặt mua số lượng đủ để phủ được cả hệ thống siêu thị của họ thì DN không đủ sản lượng để cung cấp.
 
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chỉ ra vướng mắc cần giải quyết để hàng Việt Nam xuất hiện trên kệ siêu thị nước ngoài.
 
"Một ví dụ điển hình, khi tôi làm thương vụ ở Bỉ, một khách hàng ở Bắc Âu nói mỗi tháng cần nhập 50 container sữa dừa. Tôi đã điện về tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận nhưng không đơn vị nào cung ứng đủ số lượng này. Cuối cùng, khách hàng này phải tìm đến Philippines", ông Vũ Bá Phú chia sẻ.
 
Thứ hai, mặc dù thị trường đã mở nhưng không phải vì thế mà hàng hóa tự động vào được hệ thống siêu thị nước ngoài. Để vào được hệ thống các siêu thị ở nước ngoài, các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm nông sản, phải đạt tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Đây là một trong những thách thức cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam.
 
Phải chuẩn chỉ ngay từ đầu
 
Ở góc độ DN, chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu ra thị trường quốc tế, ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Công ty CP Dh Food cho biết, dù có kinh nghiệm đưa sản phẩm vào một số siêu thị nước ngoài, khi khởi nghiệp DN làm chuẩn về mẫu mã sản phẩm, hồ sơ công bố, kế toán...
 
"Đây là một trong những điều rất quan trọng đối với DN nhỏ. Lời khuyên của tôi dành cho các DN là nên làm chuẩn chỉ ngay từ đầu, làm như vậy mới có nền tảng để phát triển. Hàng hóa chuẩn sẽ có cơ hội vào được hệ thống siêu thị nước ngoài khó tính, nhưng nếu không chuẩn thì dù có cơ hội cũng sẽ qua đi", ông Dũng nói.
 
Do làm chuẩn ngay từ đầu nên Dh Food đa dạng hóa sản phẩm mặc dù lúc đó công ty còn rất nhỏ. Khi có cơ hội, DN chào hàng được luôn với đối tác nước ngoài. DN phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ từ dịch vụ. Dh Food không xây dựng hệ thống phân phối mà gia công bên ngoài, tận dụng những cơ sở dư công suất, tận dụng những công ty có thể phân phối, giao hàng đến từng cửa hàng tại Việt Nam.
 
Các diễn giả thảo luận về việc kết nối tiêu thụ hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài.
 
"Rất nhiều startup đã nói với tôi rằng siêu thị đồng ý cho hàng vào nhưng phía bạn từ chối vì DN không giao được hàng, tức là tự mình đánh mất đi cơ hội của mình. Do đó, để phân phối được, DN nên kết hợp tận dụng những công ty bên ngoài, tập trung vào những gì tốt nhất như phát triển sản phẩm, còn những khâu khác có thể tận dụng nguồn lực bên ngoài.
 
Khi vào được các hệ thống siêu thị ở Việt Nam thì khả năng chào hàng được với hệ thống phân phối nước ngoài là rất cao. DN hãy sẵn sàng nắm bắt cơ hội và khi có cơ hội thì nên làm mọi cách để đạt điều đó, đừng từ chối vì cơ hội không đến nhiều", ông Dũng khuyến nghị.
 
Gỡ khó cho doanh nghiệp
 
Với thị trường châu Á, châu Phi, ông Lê Biên Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho biết, thị trường Á - Phi có kim ngạch xuất nhập khẩu rất lớn. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Á - Phi trong năm 2022 và quý I/2023 chiếm 51%, nhập khẩu chiếm 85%, xuất nhập khẩu chiếm 68% so với tỷ trọng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới.
 
"Năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với một số thách thức. Làm thế nào để giữ được tốc độ phát triển, đặc biệt là trong khu vực Thái Bình Dương, tốc độ phát triển xuất khẩu phải đạt 10 - 15%, tức là phải đạt hơn 200 tỷ USD? Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang khu vực Á - Phi đạt 182 tỷ USD", ông Cương nói.
 
Với mục tiêu này, theo ông Cương phải giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường và bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu theo hướng xanh, sạch và tuần hoàn. Đặc biệt cơ quan quản lý phải giải quyết những khó khăn của DN, không để hàng hóa xuất khẩu bị ứ đọng, ùn tắc tại các cửa khẩu, bến cảng.
 
Với các vùng miền, khi có đề xuất, vướng mắc cần liên hệ với Bộ Công Thương, các vụ để có thể tổng hợp và đề xuất trong các cuộc họp của lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công Thương, các đối tác để phối hợp tốt với Việt Nam.
 
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cho biết, Âu - Mỹ là thị trường trọng điểm của Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Đây là địa bàn đầu tiên mà ngành phân phối bán lẻ, phân phối bán buôn phát triển.
 
Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu năm 2023 được đánh giá là rất khó khăn, DN gặp khó về đơn hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào chương trình hỗ trợ DN xuất khẩu qua hệ thống phân phối ở nước ngoài. Theo đó, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động kết nối. Cụ thể, trong tháng 6, 8, 9 vụ phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, hệ thống Central Group ở Thái Lan và một loạt hệ thống siêu thị tại Pháp.
 
Tới tháng 9, thay vì tổ chức các sự kiện quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài, đưa DN ra nước ngoài, vụ sẽ tập trung mời các bộ phận thu mua của các hệ thống phân phối nước ngoài sang Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện kết nối hàng hóa Việt Nam với chuỗi cung ứng thế giới mang tên Vietnam International Sourcing tổ chức vào tháng 9 tại TP Hồ Chí Minh.
 
"Bộ Công Thương sẽ cố gắng hỗ trợ để DN có đủ năng lực, khả năng cung cấp cho thị trường thế giới, cụ thể là cung cấp cho hệ thống phân phối vì đặc trưng của hệ thống phân phối là thời gian đặt hàng dài, yêu cầu tiêu chuẩn rất cao và qua nhiều bước. Để hỗ trợ DN chúng tôi đã xây dựng bộ cẩm nang đưa hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài", bà Hiền cho biết.
 
Bà Hiền cũng lưu ý, khả năng DN có thể tự xây dựng thương hiệu, xây dựng nguồn cung, quản lý được nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định thành công đối với hình thức xuất khẩu qua hệ thống phân phối.

Nguyệt Minh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/khong-chuan-tu-dau-hang-viet-se-kho-len-ke-sieu-thi-nuoc-ngoai-a106883.html