Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100).
Đề án 100 là một cú hích rất lớn của Chính phủ trong việc tổ chức triển khai một cách thống nhất hệ thống quản lý truy xuất trên toàn quốc; hạn chế được những tồn tại trước đây (truy xuất nguồn gốc nhưng thực chất không phải là truy xuất nguồn gốc hay tình trạng dán tem nhãn mác rất nhiều thể loại gây rối cho người tiêu dùng).
Đây là tiền đề giúp cho các bộ, ngành chủ động, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện khung pháp lý, văn bản pháp luật về truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, đặt ra những tiền đề để cho 63 ủy ban tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng các kế hoạch, lộ trình để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa bàn của mình.
“Tin vui là đến nay, gần như tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 100. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng được hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến hướng dẫn cho các doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc.
Tổng cục cũng đã chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc hoàn thiện gần như tới bước cuối cùng về thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia”, ông Linh cho biết.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bày tỏ hy vọng những bước đi trên sẽ là điều kiện để doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách chuẩn mực hơn, chính xác hơn.
Qua đó, giúp doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc và cung cấp thông tin lên cổng quốc gia, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ sở dữ liệu tốt để có thể truy cập vào cổng thông tin, tìm hiểu các thông tin mà mình quan tâm.
Theo ông Linh, trước đây, doanh nghiệp không rõ được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, cứ làm và cứ xuất khẩu. Khi thị trường nước ngoài đưa ra các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì doanh nghiệp không chứng minh được, gây ảnh hưởng tới đơn hàng.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc.
Để tránh tình trạng này, ông Linh khuyên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu của mình cần xác định rõ, ngoài các yêu cầu khác thì các nước đó có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hay không.
Ví dụ tại thị trường Trung Quốc, đối với hàng nông sản Việt chắc chắn là có yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc thông qua các cách thức như thế nào.
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, tham gia cùng cộng đồng doanh nghiệp cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc mà có thể gắn kết với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia. Vì cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia đã được xây dựng phù hợp với chuần quốc tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp chứng minh với các nước nhập khẩu sản phẩm Việt.
Trong trường hợp gặp khó khăn vướng mắc hơn khi các quốc gia khi có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cần liên hệ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chúng tôi sẽ có sự đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ”, ông Linh nói.
Hà Anh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-can-ap-dung-tieu-chuan-quoc-gia-ve-truy-xuat-nguon-goc-a107343.html