Thách thức đe dọa sự tồn tại
Tại "Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2023" do Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) phối hợp với Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức sáng 17/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch VAA cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế đa suy thoái hiện nay, các DN đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, hạn chế ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đây là bài toán chung của hầu hết các DN, ngành hàng hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành nhôm còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn đang đe dọa đến sự tồn tại của các nhà sản xuất như: vấn đề chống bán phá giá với nước ngoài có nguy cơ mất hiệu lực do các đơn vị lẩn tránh sắc thuế này. Thị trường trong nước giảm mạnh, còn thị trường xuất khẩu bị hạn chế sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch VAA cho biết, DN ngành nhôm hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Phân tích sâu hơn về khó khăn, thách thức của các DN trong ngành, ông Vũ Văn Phụ – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAA cho rằng, các DN ngành nhôm hiện đang phải đối diện với 3 vấn đề nổi cộm, cần thiết được tháo gỡ và hỗ trợ.
Thứ nhất, hiện trạng ngành nhôm vô cùng khó khăn khi nhu cầu thị trường giảm mạnh, các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt. Một số DN trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường, cần có biện pháp lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, thời hạn nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đến tháng 9/2023. Giai đoạn năm 2019-2020, việc áp thuế CBPG nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã từng là cứu cánh cho các DN ngành nhôm Việt Nam trước bờ vực phá sản, mất đi thị trường trong nước. Do đó, các nhà sản xuất cần xem xét lại tình hình hiện nay và thống nhất quan điểm với VAA để đề nghị Bộ Công thương gia hạn quyết định thêm 5 năm.
Thứ ba, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét. Trong đó, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc. Điển hình là vụ việc Công ty Xingfa Quảng Đông đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
"Xu hướng dịch chuyển này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam. Các đơn vị lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần 2 như những năm 2018-2019 trước khi áp thuế CBPG. Đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra, áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại khi nhôm Việt xuất khẩu sang EU, Mỹ và các thị trường khác", ông Phụ nêu.
Dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo VAA, ngành nhôm vẫn có cơ hội. Nhôm định hình được kỳ vọng sẽ thống trị thị trường trong thời gian tới. Lý do là thanh nhôm định hình được sử dụng trong các ứng dụng khác nhau nên có phạm vi thị trường rộng lớn. Có thể cung cấp giải pháp hiệu quả và đáng tin cậy cho các mục đích xây dựng.
Cùng đó, ngành xây dựng là động thúc đẩy cho thị trường nhôm Việt Nam. Thị trường xây dựng Việt Nam tăng trưởng thứ 4 của khu vực Đông Nam Á. Với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo.
Liên kết để tạo sức mạnh
Trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội, VAA kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, nghiên cứu xây dựng quy hoạch chính sách phát triển ngành. Duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. Cùng với đó là xem xét cẩn trọng các dự án vốn FDI vào ngành nhôm Việt Nam, đặc biệt là dự án Xingfa Quảng Đông (Trung Quốc).
Các diễn giả trao đổi về thực trạng và giải pháp phát triển ngành nhôm.
Cho rằng, nhôm dạng thanh, que và hình là nhóm sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, các DN ngành nhôm cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm thuế xuất khẩu đối với nhóm sản phẩm này. Từ đó tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp các DN trong ngành vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia có chung nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, DN ngành nhôm còn đối diện với nhiều khó khăn hơn.
TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp hơn trước, các DN Việt Nam, trong đó có các DN nhôm đang bị suy kiệt, suy yếu. Thế giới đang có sự dịch chuyển trong khi thực lực DN ngành nhôm yếu, buộc các DN nhôm phải tìm cách chống đỡ.
"Liên kết DN, tổ chức lại như thế nào, trên nền tảng tư duy như thế nào để chống đỡ với khó khăn, thách thức hiện nay là điều rất quan trọng. Đã có chiến lược ngành nhôm có chưa? Và chiến lược ngành nhôm theo nghĩa là kết quả của sự tập hợp lực lượng DN thì DN đã làm được hay chưa, hay vẫn là "mạnh ai ấy lo"? Mỗi DN ngành nhôm phải liên kết lại với nhau, định hình lại chiến lược và lấy chiến lược đó để "thức tỉnh" các chính sách, cơ chế để tạo cơ hội cho ngành nhôm phát triển", chuyên gia trăn trở và khuyến nghị.
Cùng góc nhìn về câu chuyện liên kết DN, ông Chu Thắng Trung - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chuỗi phát triển ngành nhôm hiện đang ở phần chế biến nguyên liệu, mất đoạn giữa và hầu hết DN chỉ tập trung vào những gì họ muốn. Trong bối cảnh DN vừa phải phát triển thị trường trong nước vừa hướng sang xuất khẩu thì vấn đề liên kết, bảo đảm chuỗi giá trị một cách thông suốt là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Do đó, các DN trong ngành cần phải lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề này.