Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương báo lãi gần 7.500 tỷ đồng trong năm nhiều doanh nghiệp gặp khó

Trong năm 2022, tập đoàn của tý phú Trần Bá Dương ghi nhận lãi sau thuế đạt 7.420 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng lợi nhuận (tương đương 40%) so với cùng kỳ năm 2021.

thaco-cua-ty-phu-tran-ba-duong-bao-lai-gan-7500-ty-dong-trong-nam-nhieu-doanh-nghiep-gap-kho-1684388548.jpg

Tổng tài sản tương đương VinFast Việt Nam và Massan Group

Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) mới đây đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính. Đây là lần đầu tiên các số liệu tài chính của Thaco được công bố kể từ khi hủy tư cách công ty đại chúng vào tháng 5/2021.

Theo công bố của HNX ngày hôm qua (17/5), trong năm qua, vốn chủ sở hữu của Thaco đã tăng gần 2.000 tỷ từ 46.691 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021 lên 48.445 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Thaco đạt trên 153.000 tỷ đồng. Quy mô tài sản này tương đương với VinFast Việt Nam hay Masan Group, thấp hơn một chút so với Sovico Group hay Hòa Phát.

thaco-1684388596.png
Lợi nhuận của Thaco 10 năm gần đây.

Đáng chú ý, trong năm qua, khi mà nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động do tác động hậu đại dịch Covid -19 và lãi suất tăng cao thì “ông lớn” ô tô này thu về mức lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2022, tập đoàn của tý phú Trần Bá Dương ghi nhận lãi sau thuế đạt 7.420 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng lợi nhuận (tương đương 40%) so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ kết quả này, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của tập đoàn được cải thiện từ 11,3% lên 15,3%.

chi-tieu-1684388626.png
Một số chỉ tiêu kinh doanh của Thaco trong năm 2022.

Nợ phải trả cao gấp 2,16 lần vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo, cùng với việc vốn chủ sở hữu tăng thì hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 31/12/2021, doanh nghiệp này có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,76 lần thì đến cuối năm 2022, con số này đã tăng lên 2,16 lần. Như vậy, với mức tăng trên, tổng nợ phải trả của Thaco đến cuối năm 2022 là khoảng hơn 104.000 tỷ đồng.

Về trái phiếu, theo công bố, tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương đang có dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của công ty là 0,17 lần giảm nhẹ so với con số 0,18 lần của năm 2021. Như vậy, doanh nghiệp có khoảng 8.200 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.

Dữ liệu từ HNX cho thấy, riêng công ty mẹ Thaco đang lưu hành 3 lô trái phiếu tổng trị giá 6.200 tỷ đồng, sẽ đáo hạn lần lượt vào các tháng 12/2024, 12/2025 và tháng 9/2026.

trai-phieu-1684388663.png
Một số lô trái phiếu của Thaco phát hành đang niêm yết trên HNX.

Liên quan đến doanh nghiệp này, trước đó, trong bản cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, Jardine Cycle & Carriage (JC&C) - Bộ phận kinh doanh xe hơi trực thuộc Jardine Matheson tại khu vực Đông Nam Á, hiện đang nắm 26,6% vốn Thaco đã ra báo cáo quản lý tạm thời quý 1/2023, hé lộ một số chỉ tiêu kinh doanh của Thaco với kết quả sụt giảm so với nền cao cùng kỳ.

Báo cáo từ JC&C không tiết lộ rõ con số nhưng nhấn mạnh, doanh số và lợi nhuận quý 1/2023 của Thaco chứng kiến sự sụt giảm trên nền cao ở quý 1/2022. Nguyên do là ở quý cùng kỳ năm ngoái, Thaco được hưởng lợi từ chính sách giảm lệ phí đăng ký trước bạ.

Ngoài ra, bối cảnh thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng đã tạo ra những khó khăn cho thị trường xe trong nước. Bên cạnh đó, Thaco đồng thời chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ các đối thủ.

Minh Quân

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thaco-cua-ty-phu-tran-ba-duong-bao-lai-gan-7500-ty-dong-trong-nam-nhieu-doanh-nghiep-gap-kho-a107681.html