"Khách hàng luôn đúng": Triết lý kinh doanh giúp 3 ‘ông lớn’ thành công nhờ tập trung vào nhu cầu của ‘Thượng Đế’

Từ khởi đầu bán xà phòng, Wrigley's đã trở thành một trong những nhà sản xuất kẹo cao su nhờ triết lý trên.

"Khách hàng luôn đúng" là một nguyên tắc được nhiều công ty lớn trên thế giới yêu cầu nhân viên phải tuân theo. Dưới đây là cách 3 công ty Wrigley, Chuck full o’Nuts và WIPRO trở nên thành công bằng cách hướng toàn bộ hoạt động kinh doanh vào nhu cầu của các "Thượng Đế".

Wrigley's

William Wrigley Jr đã thành lập Wrigley’s ở Chicago vào cuối thế kỷ 19. Đó là công việc kinh doanh xà phòng tẩy rửa mà ông thừa kế từ cha mình. Tuy nhiên, ngoài công thức làm xà phòng, Wrigley Jr. còn có bản năng thu hút khách hàng.

Sản phẩm xà phòng của Wrigley's.

"Mồi câu" mà ông sử dụng là tặng kèm miễn phí. Cụ thể, ông tặng bột nở cho khách hàng với hi vọng họ sẽ mua nhiều xà phòng hơn. Điều mà ông không ngờ được là người tiêu dùng bắt đầu mua xà phòng để có được bột nở.

Chỉ một thời gian sau, bột nở được thị trường ưa chuộng hơn. Do đó, ông chuyển nó thành sản phẩm chính và khuyến mại hai gói kẹo cao su cho khách hàng mua một hộp bột nở.

Từ đó, công ty của ông chuyển hoàn toàn sang kinh doanh mặt hàng vốn chỉ là sản phẩm tặng kèm. Thời điểm hiện tại, Wrigley's là một trong số những công ty kẹo cao su lớn nhất thế giới.

Chock full o’ Nuts

Khi William Black thành lập Chock full o ’Nuts vào đầu thế kỷ 20, ông đã chọn một cái tên quảng cáo là chính xác những gì công ty đang kinh doanh. Ông phát hiện ra một cơ hội tiềm năng và chào mời những khán giả đến rạp chiếu ở New York các loại hạt có vỏ.

Black mở một quầy hàng ở Broadway và 17 địa điểm khác. Tuy nhiên, đến năm 1929, khó khăn ập đến khi số lượng khán giả đến rạp giảm dần và mọi người cũng không đủ tiền để mua đồ ăn vặt. Doanh số của công ty bắt đầu giảm mạnh.

Trong tình huống này, nhiều chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách quảng cáo sự cần thiết của sản phẩm để cứu vãn hoạt động kinh doanh. Còn Black thì ngược lại. Ông đã biến cửa hàng của mình thành các góc ăn trưa và bán cà phê, bánh sandwich.

Vẫn giữ "bản sắc" ban đầu của công ty, sản phẩm đặc trưng của những quán ăn này là sandwich "pho mát hạt" làm từ pho mát và các loại hạt cắt nhỏ, kẹp bằng bánh mỳ nho khô. Một chiếc sandwich như vậy kèm một tách cà phê có giá 5 xu.

Một cửa hàng của Chock full o ’Nuts.

WIPRO

Tháng 12/1945, Mohamed Premji bắt đầu sản xuất dầu thực vật, dầu tinh chế và thành lập WIPRO. Trong hai thập kỷ, công việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Ông mở rộng danh mục của mình với các mặt hàng tiêu dùng khác như bột talc, chất tẩy rửa, xà phòng và bóng đèn.

Công ty vẫn duy trì được thành công. Năm 1966, cậu con trai 21 tuổi của Mohamed là Azim tiếp quản công việc. Tuy thừa kế việc kinh doanh ổn định và có lãi nhưng Azim vẫn hướng tới lĩnh vực công nghệ thông tin (IT).

Vào những năm 1960 và 1970, IT ở Ấn Độ chỉ mới bắt đầu hình thành. Dù vậy, Azim đã nhìn thấy cơ hội để tham gia vào ngành này. Thời điểm hiện tại, WIPRO là một trong những công ty đa quốc gia về IT lớn nhất, có hơn 175.000 nhân viên và phục vụ khách hàng trên toàn cầu với tên gọi được nhiều người biết đến là "IBM của Ấn Độ".

Mộc Tiên

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/khach-hang-luon-dung-triet-ly-kinh-doanh-giup-3-ong-lon-thanh-cong-nho-tap-trung-vao-nhu-cau-cua-thuong-de-a10846.html