Hơn 30% số doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị thu hồi giấy chứng nhận

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tại tờ trình Chính Phủ, bộ Công Thương cho biết, Nghị định 40/2018/NĐ-CP được ban hành với các quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những DN bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội.

Đến nay, tình hình mới đã có nhiều thay đổi, hoạt động bán hàng đa cấp tiếp tục cần được quản lý chặt chẽ nhưng phải phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.

Qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi.

Có đến hơn 30% số doanh nghiệp bán đa cấp bị thu hồi giấy chứng nhận

Trong nhưng năm vừa qua, công tác quản lý bán hàng đa cấp được tăng trưởng mạnh mẽ với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động đa cấp giảm đến 2/3. Trong đó, 1/3 số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do hoạt động không hiệu quả. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký mới.

Việc có đến hơn 30% số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký bán đa cấp bị thu hồi giấy chứng nhận vì các vi phạm nghiêm trọng cho thấy việc kiểm soát, sàng lọc doanh nghiệp đầu vào của ngành bán hàng đa cấp cần phải được thắt chặt hơn nữa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ các doanh nghiệp bất chính đăng ký hoạt đồng theo đúng quy trình để có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do bộ Công thương cấp sau đó lợi dụng giấy chứng nhận này để lôi kéo người dân tham gia đầu tư và trục lợi bất chính. Và một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thắt chặt đầu vào đó là gia tăng điều kiện đăng ký hoạt động đối với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, trong đó tập trung vào các điều kiện để đánh giá nguy cơ doanh nghiệp có xu hướng hoạt động bất chính hay không.

Quy định về điều kiện sử dụng tiền ký quỹ

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ số tiền tương đương 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng, để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Số tiền này được sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với người tham gia bán hàng đa cấp. Để sử dụng số tiền này, cần có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp về các nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, Nghị định 40/2018/NĐ-CP không quy định rõ như thế nào là “Các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp”. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định trường hợp nào được sử dụng tiền ký quỹ.

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo quy định rõ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch, nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng theo đúng quy định. Các nghĩa vụ phát sinh không trên cơ sở hợp đồng, kế hoạch trả thưởng, ví dụ như trả lại hàng hóa mà người tham gia đã nhận rồi gửi tạm ở công ty, không được coi là nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.

Giải pháp này có tác động tích cực trong giải quyết đề nghị sử dụng tiền ký quỹ, giúp xác định rõ nghĩa vụ nào của doanh nghiệp sẽ được giải quyết bằng tiền ký quỹ, giải quyết được tình trạng lúng túng như thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương. Cụ thể, dự thảo bổ sung các yêu cầu, điều kiện cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của người đại diện doanh nghiệp tại địa phương, đảm bảo người đại diện này thực sự giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý tại địa phương, có thể làm việc với cơ quan quản lý tại địa phương về các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn..

Hoàng Mai

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/hon-30-so-doanh-nghiep-ban-hang-da-cap-bi-thu-hoi-giay-chung-nhan-a10874.html