Một lần, khi ngồi uống cà phê, bạn tôi mở loa lớn để chúng tôi nghe một cuộc gọi từ nhân viên công ty tài chính. Cuộc gọi đó tầm chừng vài phút mà nội dung chỉ có một câu lịch sự: "Số điện thoại này có phải của anh A đó không?
Sau tiếng "ừ" của bạn tôi, nhân viên này xổ một tràng lời nói thách thức, hăm dọa, sỉ vả, lăng mạ với một thái độ hung hăng để dồn ép, áp lực cho bạn tôi trả nợ. Khi hỏi ra, bạn tôi chỉ còn nợ có vài trăm nghìn đồng.
Trong những năm đi làm ở bộ phận xử lý thu hồi nợ của ngân hàng, bản thân không ít lần chứng kiến, hỗ trợ người thân quen giải quyết những vụ việc như thế này.
Tôi nghĩ rằng, dù bất kỳ ai đi chăng nữa, dù họ có bị nợ xấu nhiều như thế nào đi nữa thì xét cho cùng họ vẫn là khách hàng, cần phải được tôn trọng. Không một ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh bị người khác đòi nợ. Nhưng trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều từng mượn nợ ít nhất một lần. Có vô vàn lý do như: cuộc sống thăng trầm thì việc làm ăn thất bại, hoàn cảnh gia đình khó khăn hay lúc gặp tình cảnh bất trắc hay vay tiền để đầu tư kinh doanh và những nguyên do khác.
Việc vay tiền không còn quá khó như trước, nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, có đến hàng trăm ứng dụng vay tiền siêu tốc hiện ra, chưa kể đến "công ty tài chính siêu vi" (tiếng gọi lóng cho những cá nhân, nhóm nhỏ cho vay) xuất hiện khắp mặt đường, vách tường, cột điện, nhà vệ sinh công cộng...
Không chỉ thế, những người này còn thuê nhân viên điện thoại chào mời vay tiền và đòi nợ. Tôi đã có nhiều năm làm ở các bộ phận cho vay, xử lý thu hồi nợ xấu thế chấp. Dĩ nhiên phương thức, cách thức, thái độ, tư duy, hành động khi xử lý thu hồi nợ đều như nhau, chỉ khác nhau ở dạng hình thức, đối tượng.
Công việc đòi nợ đòi hỏi nhân viên phải được trang bị nghiệp vụ, kiến thức xã hội và đặc biệt là nằm tư duy, cái thái độ đối với khách nọ. Việc coi khách nợ là bạn, là người thân hay là một kẻ thù sẽ đem lại thái độ đòi nợ khác nhau. Không phải hù dọa, thách thức, sỉ vả, lăng mạ, gây áp lực, điện thoại khủng bố tinh thần thì khách trả nợ đâu.
Chính vì lẽ đó mà trong công việc dù cho khách hàng nợ nhiều hay ít, bất kể họ thuộc dạng thành phần nào trong xã hội đi chăng nữa thì bản thân luôn chọn thái độ tiếp xúc, làm việc với họ là một người bạn, người thân khi lần đầu tiếp chuyện. Công việc thu hồi nợ vừa khó vừa dễ, cần mềm mỏng, mạnh mẽ đúng lúc để đạt được mục đích cho tổ chức và bản thân.
Nguyễn Tấn Lộc
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bi-nhan-vien-cong-ty-tai-chinh-si-nhuc-vi-no-vai-tram-nghin-dong-a112592.html