Ngân hàng Nhà nước và tư duy phục vụ nhân dân

Ngân hàng “Nhà nước” là huyết mạch của quốc gia nhưng phải luôn xác định tư duy phục vụ nhân dân. Ngành ngân hàng phải tiên phong thực hiện đúng tinh thần đó, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đây là một ý kiến chỉ đạo súc tích của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đối với ngành ngân hàng tại “Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ và định hướng 10 năm tới”.

Cải cách liên tục hướng tới chuẩn mực quốc tế

Tại hội nghị, một trong những điểm mạnh nhất của NHNN được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao, đó là căn bản hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về quản lý hoạt động ngân hàng tiền tệ đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự phát triển của ngành Ngân hàng và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Điển hình như các thể chế, pháp luật về chuẩn mực an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, quản lý ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ…

NHNN cũng là một trong những cơ quan đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh.

 

 

NHNN dẫn đầu bảng xếp hạng PAR Index 5 năm liên tiếp.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chia sẻ, cải cách hành chính là hành trình cải cách không hề đơn giản.

Nhìn lại 10 năm trước, lúc đó, với một số lượng khổng lồ các quy chế, thủ tục… việc nhận diện ra thủ tục nào giữ lại hay bãi bỏ, sửa đổi là vấn đề lớn. Song bằng quyết tâm và nỗ lực chỉ đến 7/2009, NHNN đã trở thành bộ ngành đầu tiên trong cả nước hoàn thành trước thời hạn công bố Bộ thủ tục hành chính đầy đủ. Cũng chỉ trong 1 năm sau đó, NHNN đã hoàn thành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) với mức cắt giảm chi phí tuân thủ trên 30%. Đây là những bước đột phá thành công tạo nền tảng để NHNN có những bước đi nhanh và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai chủ trương của Chính phủ.

Trong hành trình cải cách, đã có nhiều cuộc làm việc tranh luận để tìm giải pháp cắt giảm hơn nữa các thủ tục, nhưng vẫn bảo đảm an toàn hệ thống. Không chỉ sát sao với các báo cáo từ các đơn vị cấp dưới gửi về, để gỡ nhanh khó khăn, lãnh đạo NHNN thường xuyên có chương trình kiểm tra CCHC ở các tổ chức tín dụng, thực hiện hàng nghìn buổi đối thoại tại các địa phương trên cả nước để lắng nghe ý kiến tâm tư của người dân, doanh nghiệp (DN) để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Chính từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, NHNN đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu xếp hạng chỉ số CCHC (PAR Index). CCHC ngành ngân hàng đã góp phần đưa NHNN trở thành đơn vị dẫn đầu Chỉ số công khai ngân sách năm 2019 và tài liệu Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương.

Trong 10 năm, kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/ cá nhân về giải quyết TTHC của NHNN cho thấy chỉ số hài lòng hằng năm đều đạt trên 98%.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chia sẻ, do kết quả quá nổi bật, cũng có ý kiến băn khoăn liệu kết quả khách quan không?

“Chúng tôi đã ứng dụng thay đổi phương pháp chấm, sử dụng cả máy chấm thay cho người nhưng các thông số vẫn cho ra kết quả NHNN vẫn đứng đầu, đến nay liên tiếp đến 5 lần”, đại diện Bộ Nội vụ nói. 

Với thước đo quốc tế, theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc, đứng thứ 25/190 nền kinh tế (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei). Trong đó, chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng của Việt Nam đạt điểm tối đa 8/8 điểm. Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh năm 2020 (Doing Business 2020) cũng tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam là ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng.

Dư địa vẫn còn và hành trình chưa dừng lại

Về “hiện tượng” NHNN, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đúc kết 3 nguyên nhân giúp cơ quan này thành công, đó chính là: chất lượng thể chế; đội ngũ, khả năng đào tạo tập huấn và thái độ hành động đúng, thống nhất.

Trước tiên, sức mạnh về thể chế chính có yếu tố quyết định tới hoạt động của một bộ máy quản lý có hiệu quả và mạnh hay không. Việc xây dựng hệ thống pháp luật thể chế lĩnh vực ngân hàng là tương đối khó, vì có ảnh hưởng tới nhiều cơ quan tổ chức, người dân xã hội. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2011-2020, NHNN đã làm khối lượng khá lớn, với hơn 400 Thông tư và các văn bản liên quan.

Không chỉ số lượng, quan trọng là việc xây dựng được hệ thống quy định hợp lý để có thể triển khai hiệu quả trong thực tiễn đã giúp ngành ngân hàng triển khai trơn chu các hoạt động tín dụng, đầu tư, bình ổn thị trường tiền tệ…phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, đội ngũ ngành ngân hàng được tuyển chọn tương đối kỹ càng. Đến khi vào làm, đội ngũ nhân lực vẫn phải thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ, cập nhật những quy định, kỹ năng mới.

Thứ ba là thái độ, toàn hệ thống NHNN từ Trung ương tới địa phương luôn thể hiện thái độ quan tâm đúng mức tới việc cải cách hành chính, nâng cao sức mạnh của chính mình, phát huy tốt vai trò “nhạc trưởng” điều hành thị trường tiền tệ.

Ít có bộ ngành nào mà lãnh đạo quan tâm sâu sát tới cải cách thủ tục hành chính có bộ phận chuyên trách phải thường xuyên cập nhật thường xuyên tình hình cải cách hành chính. Đây là một mô hình hay, thực tiễn tốt cần nhân rộng.

Ngoài ra, một điểm mạnh nữa của NHNN được Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhắc đến là sử dụng hệ thống truyền thông. Chính việc tổ chức các hoạt động truyền thông phương pháp tốt, với hình thức phong phú, phổ biến kiến thức khiến các tầng lớp nhân dân khác nhau dễ dàng hiểu rõ hơn về các quy định, dịch vụ ngân hàng.

 
 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng góp ý, đâu đó vẫn có những ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp một số “hạt sạn” và ngành ngân hàng vẫn còn dư địa cải cách.

Minh chứng cho quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Thừa nêu ví dụ, đến nay hiện tượng tín dụng đen vẫn còn khá nhiều. Dù lãi suất cao cắt cổ nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy vì thủ tục quá đơn giản. Dù là hình thức bất hợp pháp, với nhiều nguyên nhân phức tạp, song vẫn phải thừa nhận rằng điều đó thể hiện nhu cầu tiếp cận vốn vẫn chưa được đáp ứng hoàn toàn. Vẫn có nhu cầu vay vốn chính đáng (như vay tiền chữa bệnh…) của một bộ phận người dân chưa được đáp ứng đầy đủ.

“NHNN vẫn cần suy nghĩ thêm về việc tiếp tục đơn giản hơn nữa các thủ, giúp đa số người dân tiếp cận được vốn vay hợp pháp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa gợi ý.

Nói về định hướng cải cách trong thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ngành ngân hàng cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý của lãnh đạo Chính phủ và các đơn vị liên quan để toàn hệ thống có giải pháp cụ thể khắc phục, xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần thực hiện tốt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị văn phòng và các đơn vị đầu mối của Ngân hàng Nhà nước trong các lĩnh vực cải cách hành chính nghiêm túc quán triệt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn (2021-2025, 2025-2030) và từng năm. Trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD xây dựng các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể và tổ chức triển khai có kết quả mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho từng giai đoạn và từng năm.

“Thủ trưởng các đơn vị trong ngành cần phổ biến, quán triệt sâu, rộng đến toàn thể cán bộ, đồng thời phải định kỳ báo cáo các kết quả thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị, đề xuất để kịp thời tổng hợp, tháo gỡ, xử lý, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ cải cách hành chính trong giai đoạn tiếp theo, để toàn ngành ngân hàng thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”, lãnh đạo NHNN yêu cầu.

 

 

Huy Thắng

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ngan-hang-nha-nuoc-va-tu-duy-phuc-vu-nhan-dan-a11456.html