"Đời con cháu sẽ vô vọng với ước mơ có nhà nếu còn tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất"

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng còn tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất", đời con cháu chúng ta vẫn vô vọng với ước mơ nhà ở.

Đại biểu Trần Văn Khải: "Cần bỏ tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất

Góp ý tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải khẳng định Điều 8 của dự luật, về Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản dù đưa ra nhưng chưa đúng tầm, còn mỏng.

Theo ông Khải, thực tiễn thị trường bất động sản luôn tồn tại tình trạng sốt nóng hoặc đóng băng. Nó tồn tại trong nhiều năm gần đây từ năm 1990 cho đến nay. Hậu quả ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nếu chính sách Nhà nước không điều tiết kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn, gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là kinh tế, doanh nghiệp phá sản, người dân khốn đốn. 

"Đời con cháu sẽ vô vọng với ước mơ có nhà nếu còn tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Theo ông Khải, "việc xây dựng chính sách Nhà nước về thị trường này là xác đáng. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa điều tiết được thị trường, cơ cấu lại được thị trường bất động sản".

Đại biểu Khải nói: "Cử chi mong muốn sửa đổi Luật lần này nhằm xoá bỏ tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất, phải làm sao để người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, làm sao thế hệ sau của chúng ta không vô vọng với ước mơ có được một căn nhà của mình".

Ông Khải cho rằng: Ý Đảng đã rõ, lòng dân đã có và thực tiễn như vậy. Cơ quan soạn thảo cần xây dựng dự luật theo hướng luật hoá cụ thể chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay.

Theo ông Khải, bất động sản cần 4 yếu tô trong đó có ổn định chính sách; chính sách thuận lợi để các nhà đầu tư thuận lợi khi đầu tư và cuối cùng là cần điều tiết lại phân khúc nhà ở.

"Tôi nhấn mạnh vào việc điều tiết phân khúc nhà ở. Thực tế hiện nay, Việt Nam có quá nhiều nhà ở cao cấp "cục máu đông" hiện cũng đang nằm ở đây. Trong khi đó nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thiếu, chúng ta cần điều tiết dòng vốn không để vốn tiếp tục chảy vào phân khúc cao cấp nữa", ông Khải nhấn mạnh.

Theo ông Khải, cần điều tiết kịp thời, sớm khi có dấu hiệu bất thường hoặc có những yếu tố bất lợi. Chủ động ứng phó với tình trạng nóng lạnh của thị trường bất động sản.

"Tại Điều 8 của dự luật, đưa ra 5 mục thì có 4 mục nói đến khuyến đầu tư nhưng rất chung chung, không cụ thể. Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng khuyến khích đầu tư chỗ nào, phân khúc nào", ông Khải nêu.

Theo đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đề cập đến việc can thiệp của Nhà nước, trong đó có vấn đề điều tiết khi thị trường có biến động. Nhưng đặt lại câu hỏi, chờ đến khi thị trường có biến động mới điều tiết thì có kịp không? chậm quá! 

Cần kiểm soát chặt chẽ, điều tiết trước khi có những biến động để kịp thời bảo vệ thị trường, người dân và doanh nghiệp làm ăn chính đáng.

Ông Khải nêu kinh nghiệm của Singapore để Việt Nam có thể lấy làm ví dụ như để thị trường của họ ổn định Singapore điều tiết bằng thuế. Người dân mua căn nhà thứ 2, phải nộp 7% thuế, mua căn nhà thứ 3 phải nộp thuế 10%.

Khi dân mua căn nhà đầu tiên, chuyển nhượng ngay thì phải nộp 16%, chuyển nhượng năm thứ 2 sau khi mua phải nộp 10% thuế và năm thứ 3 là 6% và năm thứ 4 là 0%.Như vậy 4 năm đầu hạn chế giao dịch. 

Với người nước ngoài, khi mua nhà ở Singapore cũng phải nộp 16% thuế khi mua. Đối với ngân hàng họ cho vay căn đầu tiên là 80% giá trị nhà, căn thứ 2 cho 60% giá trị nhà, căn thứ 3 chỉ 40% giá trị nhà. Các nhà băng phải thực hiện rất nghiêm túc quy định này, nếu ký duyệt vay sai, sẽ bị truy cứu trách nhiệm, sau khi điều tiết được thì đa số người dân đều có thể có cơ hội sở hữu được nhà ở.

Doanh nghiệp phải thực hiện thêm nhiều thủ tục rườm rà

Cũng thảo luận về dự luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thực hiện với một trong những mục tiêu quan trọng là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thực hiện thêm nhiều thủ tục rườm rà, chưa thể hiện được tinh thần cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh.

"Đời con cháu sẽ vô vọng với ước mơ có nhà nếu còn tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất" - Ảnh 2.

Đối với điều kiện để nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, khoản 2 Điều 25 quy định: "Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý thị trường bất động sản về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở đưa vào kinh doanh và trả lời bằng văn bản nếu nhà ở không đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. 

Tương tự, ông Thanh cho rằng khoản 4 Điều 32 quy định: "Trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền trong dự án bất động sản, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo gửi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh và được chấp thuận về quyền sử dụng đất đủ điều kiện được chuyển nhượng".

Đây là những quy định sẽ gây thêm thủ tục, khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu thực hiện, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường hậu kiểm, áp dụng chế tài nếu chủ đầu tư dự án vi phạm, nhằm cải cách, rút bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. 

Theo ông Thanh, với quy định này trong dự thảo, hoạt động của doanh nghiệp sẽ trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, từng bước hồi phục. 

An Linh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doi-con-chau-se-vo-vong-voi-uoc-mo-co-nha-neu-con-tu-duy-khong-buon-gi-lai-bang-buon-dat-a114888.html