Mới đây, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo rủi ro lớn khi đầu tư tài chính theo mô hình đa cấp.
Cụ thể, qua rà soát trên các phương tiện internet, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thu thập được nhiều thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư Thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và Đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO).
Đánh giá các nội dung quảng cáo này, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy mô hình hoạt động của một số sàn đầu tư tài chính này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia.
Rủi ro về mặt tài chính
Mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép, trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống thì kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo.
Ngoài ra, tiền người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay ví điện tử, những loại tiền ảo và ví điền tử này đều không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có nhiều cảnh báo cho người dân liên quan đến những hình thức tương tự.
Mặt khác, nhà đầu tư còn bị những rủi ro khác khi tham gia các sàn đầu tư tài chính kiểu này như: lộ bí mật thông tin cá nhân, bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống (nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua) hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất.
Rủi ro về mặt pháp lý
Rất nhiều các sàn đầu tư tài chính này có dấu hiệu lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên tham gia đầu tư theo nhiều cấp nhiều nhánh, có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức trái phép, ví dụ: Forex Liber, AFGold, Bitomo…
Theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40/2018/NĐ-CP), mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), theo đó các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Do đó, các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự (xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ Luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp).
Kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Một số loại hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm:
Thứ nhất, thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm.
Thứ hai, sản phẩm nội dung thông tin số.
Các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).
Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trường hợp phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, cụ thể về lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp.
H.M
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/canh-bao-rui-ro-khi-tham-gia-san-forex-liber-afgold-bitomo-a11640.html