|
Thép là sản phẩm bị khởi kiện nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Ảnh minh hoạ. |
Xu thế gia tăng bảo hộ thương mại
Ngày 23/11 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (polyester textured yarn - PTY) nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Nguyên đơn đã cáo buộc sản phẩm PTY bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ, gây ra thiệt hại đáng kể đối với nhà sản xuất sở tại.
Được biết, tổng kim ngạch xuất khẩu PTY của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng dần trong 3 năm từ 2017-2019 lần lượt là 490.000 USD, 778.000 USD và 4,5 triệu USD. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 8,7 % tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020.
Trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỉ lệ 30%. Trong khi thép là một trong những sản phẩm xuất khẩu có nhiều chủng loại với kim ngạch hằng năm khoảng 4,2 tỷ USD. Riêng thị trường Hoa Kỳ, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thép khoảng 300 triệu USD, chiếm tỉ lệ 7,4%. Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, với 14 Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, việc hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ này đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 100 tỷ USD năm 2011 và dự kiến đạt 270 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc PVTM của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam cũng đang gia tăng.
Trong 9 tháng của năm 2020, tổng số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra PVTM là 30 vụ việc, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (10 vụ). Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 39 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 23 vụ việc, Canada và Australia cùng 16 vụ việc. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM với 38 vụ việc (chiếm tỉ lệ 20%).
Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm, thậm chí là tôm.
Tính đến hết năm 2019, sản phẩm tôm đã trải qua 14 lần rà soát. Sản phẩm cá tra đã trải qua 15 lần rà soát. Trong mỗi lần rà soát, doanh nghiệp và Chính phủ đều phải đầu tư nguồn lực để xử lý vụ việc.
Bộ Công Thương nhận định, nguyên nhân chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM nhằm vào hàng xuất khẩu Việt Nam là do xuất khẩu của nước ta tăng nhanh trong thời gian qua với tác động tích cực từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
|
Tính đến hết năm 2019, sản phẩm tôm đã trải qua 14 lần rà soát trước các biện pháp bảo hộ thương mại. Ảnh minh hoạ. |
Doanh nghiệp “lơ mơ”
Trong khi nguy cơ ngày càng gia tăng các biện pháp PVTM từ nhiều thị trường xuất khẩu thì sự hiểu biết của DN Việt Nam còn rất hạn chế.
Ông Phan Khánh An, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, theo một khảo sát gần đây, có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM; chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ; còn đa phần các DN có biết, nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này. Trong khi đó, chỉ có 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ, số DN tìm hiểu tương đối kỹ về PVTM hoặc là bên liên quan chỉ chiếm 1,89%.
“Nhiều DN xuất khẩu Việt Nam bị điều tra nhưng không biết, chỉ khi hàng hóa xuất khẩu vào nước đó bị áp thuế cao mới “té ngửa” và có khi bị áp 4-5 năm rồi. Đây là khiếm khuyết về thông tin mà DN thường hay bỏ qua”, ông Phan Khánh An thông tin thêm.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại còn cho biết, khi mặt hàng inox bị Việt Nam điều tra chống bán phá giá, nhiều DN nhập khẩu cho hay, phía nhà bán hàng Trung Quốc sẵn sàng hạ giá bán để DN bù vào phần chi phí thuế nhập khẩu. Vì thế nhiều DN cũng không quan tâm đến thông tin mặt hàng này có áp thuế chống bán phá giá hay không.
Tương tự, có không ít doanh nghiệp lơ là không nắm thông tin các biện pháp PVTM trên hàng hóa, đến khi có những vướng mắc về PVTM xảy ra DN lại cần các ngành chức năng thay đổi, bổ sung các quyết định mà việc này rất tốn thời gian, nhiều khi dẫn đến việc DN phải từ bỏ mở thị trường xuất khẩu.
Bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đối phó với bảo hộ thương mại, DN không nên e ngại mà nên chủ động tham gia vào các vụ việc. DN cần chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu, chuẩn bị thời gian, luật sư phiên dịch… Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của DN quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra.
Bên cạnh đó, rất cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng. DN phải có bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, PVTM quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.
Bởi thực tế đã có những DN thuê luật sư thu thập hồ sơ chống bán phá vào thị trường Hoa Kỳ nhưng lại không chú tâm đến các quy định như nộp hồ sơ cho cơ quan điều tra chống bán phá giá Hoa Kỳ qua thư điện tử, nộp trễ hạn 24h... thì toàn bộ thông tin của DN sẽ không có giá trị và DN vẫn bị áp thuế như thường.... Việc gặp phải các sự cố này buộc DN phải chú trọng đến các quy định, thực hiện hồ sơ pháp lý liên quan đến PVTM theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại để được bảo vệ tốt nhất quyền lợi.
Hiện nay, trước tình trạng gia tăng các biện pháp PVTM từ nhiều thị trường, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN thông qua nhiều hoạt động như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện, cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc, tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra. Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực với tỉ lệ thành công lên đến 43% số vụ việc, đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài DN, nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn nên các DN cần thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả. Trên thực tế, các biện pháp đối phó với PVTM khi được DN chuẩn bị chủ động sẽ khiến DN trưởng thành, lớn mạnh hơn.
Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại
Xác định phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp nhất trong thương mại quốc tế, ngày 1/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày về phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".
Mục tiêu chung của Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 5/8/2020 về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.
Hiện công tác thực hiện về cảnh báo sớm đối với nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau đang được các đơn vị của Bộ Công Thương trong đó có Cục Phòng vệ thương mại duy trì, đẩy mạnh. DN có thể thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện PVTM. Danh sách này được cập nhật thường xuyên trên website của Cục Phòng vệ thương mại.
|