Những năm gần đây, định nghĩa Gen Z bắt đầu nở rộ trong cộng đồng người yêu nhạc V-Pop. Được dùng để gọi chung lứa ca sĩ trẻ có năm sinh từ 1997 đến nay, Gen Z tại V-Pop chứng kiến sự "bùng nổ" của những cái tên như: AMEE, Juky San, Hoàng Duyên, Phương Mỹ Chi,... Không thể phủ nhận đây đều là những cái tên trẻ đang có sức ảnh hưởng đến ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Nhìn vào thực tế trên thị trường âm nhạc hiện tại, lứa nghệ sĩ Gen Z rõ ràng đang chiếm ưu thế rất nhiều. Là thế hệ được tiếp cận với nhiều xu hướng âm nhạc trên thế giới, những nghệ sĩ Gen Z đã mang đến cho Vpop những sản phẩm mang đậm tinh thần cập nhật nhưng đâu đó vẫn thể hiện được cá tính riêng của mình.
Là những nghệ sĩ nối tiếp các đàn anh đàn chị trong nghề, thế nên Gen Z không chỉ tập trung vào sự nghiệp của mình mà còn phải đảm đương trách nhiệm tìm ra những hướng đi để duy trì những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị thời gian của nhạc Việt.
Từ lâu, việc những ca sĩ trẻ hát nhạc xưa luôn là câu chuyện gây khá nhiều tranh cãi. Số đông khán giả cho rằng, những nghệ sĩ trẻ chưa đủ trải nghiệm về cuộc sống lẫn giọng hát để có thể lột tả được hết tinh thần, cảm xúc trong các sáng tác nổi tiếng. Thế nhưng không nhiều những ca sĩ trẻ có thể hát ra được cái chất của những ca khúc nhạc xưa, thế nên việc biến tấu trở nên phù hợp với giọng hát cũng như thị hiếu của khán giả chính là giải pháp hữu hiệu.
AMEE là một trong những ca sĩ Gen Z thành công của Vpop với nhiều sản phẩm mang tính "phủ sóng".
Còn nhớ cách đây không lâu khi bộ phim Em và Trịnh gây sốt các phòng chiếu, những ca khúc của nam nhạc sĩ quá cố đã được phát hành trở lại dưới một phiên bản hoàn toàn mới của nhiều giọng ca Gen Z.
Nhắc đến Trịnh Công Sơn, ngoài những ý niệm sâu sắc về kiếp nhân sinh, người ta còn nhớ đến những người phụ nữ đặc biệt đã đem lại cho nhạc sĩ rung cảm mãnh liệt để động bút viết nên bao giai điệu đi cùng năm tháng có thể kể đến như: Diễm xưa, Ướt mi, Nắng thủy tinh, Nhìn những mùa Thu đi,.... Chính vì vậy, không nhiều ca sĩ trẻ được đánh giá cao khi thể hiện những sáng tác bất hủ của ông vì thiếu sự từng trải.
Chính vì thế khi thực hiện album nhạc phim cho Em và Trịnh, nhạc sĩ Đức Trí cũng từng chia sẻ: "Điều khó khăn nhất khi thu cho nhạc phim là hầu hết diễn viên đều không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, trừ Bùi Lan Hương, còn lại các bạn đều rất mới, rất trẻ, nhưng phải thể hiện giọng hát của những người quá nổi danh. Mà các đoạn thu chủ yếu cũng để phục vụ cho các phân cảnh cho phim chứ không phải ghi âm cho một album, nên khi biên tập lại cho đĩa OST tôi phải chọn lọc và biên tập lại ít nhiều để người nghe không bị hụt hẫng khi nghe album mà không có hình ảnh.
Tôi không phối mới, hay chính xác hơn là không phối “cho mới” mà phải làm cho nó nghe xưa. Tinh thần xuyên suốt của dự án này là không có âm thanh điện tử. Tất cả các nhạc cụ thu là nhạc cụ thật, diễn viên phải hát thật cùng lúc với ban nhạc, vì thế không thể biên tập, chỉnh giọng gì cả. Diễn viên chỉ có một cách là tập luyện kỹ để thu, họ sẽ được thu vài lần, chọn ra lần hay nhất”.
Nếu như nhạc sĩ Đức Trí tận dụng bản phối mang những đặc trưng xưa cũ để bù đắp khuyết điểm cho những giọng ca trẻ khi làm mới nhạc Trịnh, thì một số nghệ sĩ trẻ như: Mỹ Anh, Juky San, Phương Mỹ Chi,... lại chọn cách thực hiện những bản phối mang hơi thở hiện đại để phù hợp với giọng hát của mình nhưng vẫn đảm bảo được tinh thần cảm xúc của sáng tác gốc.
Nói về Mỹ Anh, những màn remake nhạc xưa ấn tượng của nữ ca sĩ trẻ có thể kể đến chính là tại chương trình The Heroes 2021. Những bản nhạc có tuổi đời lâu như 60 năm cuộc đời, Một ngày mới,... hay gần đây nhất là bản cover Nhìn những mùa thu đi (được lấy cảm hứng từ Em và Trịnh) rất được đón nhận. Mỹ Anh đã đưa những sáng tác khó nhằn này về với thế mạnh của mình bằng những bản phối trẻ trung, cách hát hiện đại nhưng không quá biến tấu để không mang tiếng "phá bài".
Juky San không phải là một giọng ca quá xuất sắc, thế nhưng nữ ca sĩ lại rất khôn khéo khi thực hiện những sản phẩm remake rất đúng với tinh thần cũng như thị hiếu khán giả Gen Z. Nhìn vào những con số mà Juky San thu về từ loạt dự án remake nhạc xưa có lẽ nhiều người cũng phải bất ngờ vì thậm chí nhiều sản phẩm đầu tư tiền tỷ nhưng lại thất bại ê chề.
Juky San rất thành công với các series remake nhạc xưa.
Gần đây nhất, Phương Mỹ Chi đã cho ra mắt 2 MV ca nhạc là Mùa thu cho em, Dư âm và mới nhất là sản phẩm âm nhạc thứ 3 mang tên Nắng chiều. Được biết, đây là ca khúc Bolero đầu tiên được nhạc sĩ Lê Trọng Hiếu sáng tác năm 1952 và vang danh một thời không chỉ trong nước mà còn được mệnh danh là "tình ca Châu Á". Với mong muốn giữ được trọn vẹn linh hồn của ca khúc, nhóm DTAP đã kết hợp 2 thể loại âm nhạc xu hướng trên thế giới là Cha-Cha-Cha và Bossa Nova. Nhằm để ca khúc mới lạ hơn, gần gũi hơn, theo kịp thời đại mà vẫn truyền tải được tinh thần của ca khúc vốn có.
Về dự án đặc biệt này, Phương Mỹ Chi cho biết: "Chi cảm thấy bolero không phải là dòng nhạc chỉ dành cho thế hệ của ông bà ba mẹ ngày xưa mà nên được phổ biến với cả thế hệ bây giờ.
Chính vì thế Chi muốn các bạn trẻ hiểu hơn về cách dòng nhạc Bolero được đưa vào Việt Nam như thế nào, vào thời điểm nào, được người Việt Nam lưu truyền như thế nào, từ đó chúng ta trân quý những giá trị nghệ thuật bất hủ này".
Tuy nhiên đâu đó, vẫn có không ít những sản phẩm remake nhạc xưa từ các ca sĩ trẻ nhận về nhiều phản hồi không tốt từ công chúng, điều này ít nhiều làm to dần những định kiến về chuyên môn của thế hệ nghệ sĩ Gen Z. Nhưng trên thực tế, đây là vấn đề khá bình thường bởi việc một nghệ sĩ trẻ dám làm mới những sáng tác kinh điển là đã chấp nhận sẽ đương đầu với nhiều ý kiến trái chiều.
Cần phải hoan nghênh những nghệ sĩ trẻ dám bắt tay vào thực hiện những dự án âm nhạc làm sống lại các ca khúc nhạc xưa. Đây không chỉ là một xu hướng âm nhạc đang được quan tâm, mà nó còn cho thấy tinh thần muốn phát triển và lan tỏa những giá trị bất hủ của âm nhạc Việt Nam đến nhiều tai nghe hơn, nhất là những khán giả trẻ.
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gen-z-va-nhung-no-luc-lam-moi-nhac-xua-a119109.html