Bệ đỡ đưa thương hiệu đến người tiêu dùng
Tại diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc" ngày 25/7 tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia, báo chí có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN).
Thực tiễn cho thấy, quan hệ giữa báo chí, truyền thông và DN luôn là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh DN đến với người tiêu dùng.
"Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của DN, lan toả khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một DN. Ở chiều ngược lại, DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí", ông Công nêu.
Đánh giá mối quan hệ giữa báo chí và DN, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và DN qua nhiều năm tháng luôn là mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, lúc này lúc khác, mối quan hệ giữa một cơ quan báo chí và DN, giữa phóng viên với doanh nhân có một số điều phiền lòng, cả hai bên còn có một số điều cần thực hiện tốt hơn.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang gồng mình khắc phục khó khăn, khôi phục phát triển kinh tế. Đời sống báo chí cũng vậy, các cơ quan báo chí đang vận hành bộ máy đứng trước những mối lo cơm áo gạo tiền. Do đó, các cơ quan báo chí đã có sự thông cảm nhiều hơn với những khó khăn của DN.
Cũng nhấn mạnh về mối quan hệ "cộng sinh" này, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, mối quan hệ giữa báo chí và DN chưa bao giờ là cần thiết và cần thắt chặt như hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra rất nhiều thay đổi tại các cơ quan báo chí. Báo chí rất cần DN cả ở góc độ thông tin và nguồn thu.
Ông Lê Quốc Minh khẳng định, nhiệm vụ của báo chí là kênh thông tin chính xác, xác thực tạo chiều sâu và nêu lên những bất cấp của đời sống kinh tế xã hội. Do đó, DN nên chủ động với cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin phối hợp truyền thông chính thống, chính xác thông tin, thay vì né tránh cơ quan báo chí.
Xây dựng văn hóa hợp tác
Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký VCCI, dù sự hợp tác giữa báo chí và DN đã ngày càng được đẩy mạnh, tuy nhiên, chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Chính vì vậy, cần xây dựng văn hoá hợp tác giữa báo chí và DN. Đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh hợp tác giữa các bên trong việc thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa báo chí, truyền thông vì mục tiêu Việt Nam văn minh, thịnh vượng.
"Quan hệ đồng hành của báo chí và DN cần được xây dựng trên một nền tảng văn hoá. Đó là sự kết hợp giữa văn hoá báo chí và văn hoá kinh doanh để giúp hai bên cùng thắng, cùng đóng góp vào việc thực hiện được khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045", bà Lan Anh nhấn mạnh.
Về việc xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí, ông Phạm Trường Sơn - Phó Trưởng ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nếu xây dựng văn hóa cơ quan báo chí tốt sẽ tạo sự hài hòa, hợp tác, tương tác tốt trong quan hệ giữa báo chí và cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng DN.
"Để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương tất yếu phải xây dựng môi trường văn hóa trong sạch lành mạnh. Tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo, người làm báo phấn đấu, rèn luyện, cống hiến sức lực, trí tuệ vào xây dựng cơ quan báo chí vững mạnh, giữ gìn bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và phát huy “tâm sáng bút sắc”, ông Sơn khuyến nghị.
Báo chí cần tôn trọng sự thật
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang phản ánh, chưa bao giờ cộng đồng DN khó khăn như hiện nay. Thống kê của các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, chỉ có 1/3 DN có lãi do kinh tế thế giới suy giảm, bất ổn địa chính trị nhiều nơi trên thế giới gia tăng, sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật…
Đánh giá hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí, ông Thập cho biết, bên cạnh những cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép, vẫn còn đó một số cơ quan báo chí chưa được nghiêm túc theo tôn chỉ, mục đích, gây khó cho DN.
Không ít các thông tin được thực hiện còn thiếu sự khách quan, đa chiều, thiếu sự tương tác với DN về các vấn đề được phản ánh, dẫn đến việc DN mất lòng tin vào các cơ quan báo chí.
"Vì vậy, thông qua diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý báo chí, nghiên cứu đưa ra các quy định, thắt chặt hơn nữa hoạt động, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép", Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang kiến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đề xuất, các cơ quan báo chí cần tôn trọng sự thật, phản ánh trung thực các vấn đề của thị trường, tránh gây hoang mang dư luận. Tích cực phản ánh khai thác thông tin từ nhiều nguồn chất lượng, chính thống như các cơ quan quản lý, các chuyên gia uy tín, các doanh nghiệp… để làm phong phú thông tin liên quan đến thị trường bất động sản.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI. Với sự chung tay, góp sức của 4 cơ quan, chương trình phối hợp công tác được kỳ vọng sẽ tạo ra những điều kiện và xung lực mới cho sự đồng hành, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí – truyền thông, hướng đến cùng thành công và cùng đóng góp thực hiện mục tiêu lớn của đất nước. |
Nguyệt Minh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/xay-dung-van-hoa-hop-tac-de-bao-chi-va-doanh-nghiep-cung-thang-a120463.html