Xuất hiện tình trạng này bởi lượng hàng bán ra dù đã thấp kỷ lục nhưng lượng hàng tiêu thụ lại bị khách hàng hững hờ không mua tạo ra viễn cảnh “chợ chiều”.
Ế như bất động sản biển
Cụ thể, Theo số liệu thống kê của Bộ phận R&D DKRA Vietnam, trong tháng 11/2020 phân khúc biệt thự biển ghi nhận 39 căn mở bán đến từ 1 dự án tại tỉnh Bình Thuận (thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), tăng 56% so với tháng trước. Tuy nhiên, theo DKRA thì tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 28% với khoảng 11 căn, bằng 73% so với tháng 10/2020.
Bất động sản biển phía Nam ế ẩm trong nhiều tháng qua |
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam thì sức cầu của thị trường thấp và chưa có dấu hiệu cho thấy sự bứt phá trong ngắn hạn.
Giao dịch hiện nay chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán, đặc biệt trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay việc thuyết phục nhà đầu tư chủ yếu dựa vào uy tín của chủ đầu tư.
Đáng chú ý hơn đó theo số liệu DKRA cho thấy, tháng 6/2020 toàn thị trường phía Nam chỉ có 8 sản phẩm mở bán với 1 sản phẩm được bán ra thành công, tháng 7 và 8/2020 thì không có sản phẩm nào được bán và cũng không có tiêu thụ.
Tới tháng 9 có 152 sản phẩm được bán ra tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với 59 sản phẩm được bán thành công, tới tháng 10 thì lượng hàng bán ra chỉ 25 sản phẩm và lượng tiêu thị chỉ 15 sản phẩm.
Điểm sáng duy nhất của thị trường bất động sản biển trong tháng 11/2020 đó là sự ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực ở phân khúc nhà phố/shophouse biển khi có 3 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 404 căn.
Tuy nhiên, dù lượng sản phẩm mở bán mới có tăng nhưng tỷ lệ tiêu thụ cũng chỉ đạt 40% (khoảng 160 căn). Nguồn cung tăng so với quý trước, tập trung chủ yếu ở 3 khu vực là Bình Thuận, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đó theo DKRA thì Bình Thuận có 1 dự án mở bán cung cấp ra thị trường 208 căn. Dự án có tình hình bán hàng chậm với lượng tiêu thụ khiêm tốn chỉ khoảng 13% tương đương 28 căn.
Phú Quốc cung cấp ra thị trường 130 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 87% (khoảng 113 căn). Bà Rịa - Vũng Tàu với 66 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ của dự án thấp với khoảng 19 căn được tiêu thụ, tương đương 29%.
Thị trường ảm đạm nữa đến từ phân khúc Condotel, khi theo ghi nhận của DKRA, trong tháng 11/2020 phân khúc Condotel toàn phía Nam chỉ chào đón 1 dự án mở bán (thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung cấp ra thị trường 102 căn. Và tỷ lệ tiêu thụ thấp chỉ đạt 15% (khoảng 15 căn).
Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp, thị trường gần như ngủ đông trong thời gian vừa qua. Chưa có dấu hiệu cho thấy sự hồi phục của phân khúc này trong ngắn hạn.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ khung pháp lý cho loại hình Condotel vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành du lịch nghỉ dưỡng đóng băng; tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng vì một số dự án nghỉ dưỡng không chi trả cam kết lợi nhuận như thỏa thuận ban đầu.
“Theo quan sát của chúng tôi, nguồn cung và sức cầu phân khúc Condotel tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2019, xu hướng này có thể kéo dài đến hết năm 2020”, ông Hoàng nói.
Ế cầu mà vẫn bội cung
Nhìn tổng thế số liệu trên của DKRA cho thấy nguồn cầu trong thời gian qua giảm mạnh ở phân khúc bất động sản biển, thế nhưng ghi nhận thực tế của thị trường này lại cho thấy nguồn hàng được các doanh nghiệp bất động sản đưa ra đang khá lớn. Tập chung chủ yếu ở thị trường bất động sản tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận chỉ trong năm 2020 đã ghi nhận hơn 10 dự án được công bố và các doanh nghiệp cũng đang âm thầm chào bán. Đơn cử như dự án Thanh Long Bay tại Bình Thuận do Nam Group làm đơn vị phát triển.
Dự án đang được mở bán với quảng cáo dự án được xây dựng trên diện tích hơn 90ha, gồm 3 phân khu là nhà phố, biệt thự, căn hộ biển 5 sao. Tất cả gồm 1.500 căn hộ biển, 400 nhà phố thương mại, 500 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Giá bán tại dự án này đang giao động từ 20 đến 60 triệu/m2 tùy vào sản phẩm.
Một siêu dự án nữa rộng 1.000 ha tại phường Tiến Thành, TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận đang được mở bán với số lượng sản phẩm được quảng cáo lên tới 10.000 sản phẩm gồm tất cả các phân khúc như nhà phố biển, biệt thự biển, Condotel và khách sạn, dự an sẽ phát triển trong vòng 10 năm.
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận thì tỉnh hiện có hơn 100 dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển với số lượng lên tới hơn 50.000 sản phẩm ở các phân khúc đang triển khai.
Đối với thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, câu chuyện phát triển thị trường bất động sản biển đang được cho là tâm điểm thị trường này khi mà các tên tuổi lớn như Novaland, Hưng Thịnh Corp, Danh Khôi… liên tục đổ bộ về đây mua đất và phát triển dự án với số lượng lên tới hàng chục ngàn sản phẩm. Trong đó có những dụ án đang quảng cáo là dự án 6 sao…
Đơn cử như một dự án tại Bình Châu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có diện tích 100ha, với khoảng 1.600 sản phẩm thừ biệt thự, nhà phố, Condotel… và được quảng cáo sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Hay như dự án đang quảng cáo 6 sao mang tên Grace World Resort Hồ Tràm do Tập đoàn Bất động sản Grace World phát triển. Dự án được quảng cáo 600 căn hộ khách sạn Codotel, và 60 căn biệt thự biển…
Việc phát triển quá nhiều dự án căn hộ biển trong năm 2020 đang làm cho giới quan sát thị trường bất động sản phía Nam quan ngại vì sẽ có thể rơi vào cảnh bộ thực nguồn cung.
Ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng hiện nay để bán được hàng bất động sản biển, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã dùng chiêu mời gọi các doanh nghiệp quản lý vận hành nước ngoài vào để quản lý vận hàng sau đó truyền thông để bán hàng.
Tuy nhiên, thực tế câu chuyện quản lý vận hành bất động sản nghỉ dưỡng không đơn thuần là câu chuyện đơn vị nào quản lý mà còn đến từ câu chuyện nhu cầu khách hàng có thực sự đủ nhiều để số lượng nguồn cung lớn đến vậy có thể tiêu thụ được hay không.
“Nhìn lại câu chuyện dự án Cocobay tại Đà Nẵng, năm 2017 khi phát triển doanh nghiệp cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư mua sản phẩm dự án là 12%/năm, nhưng tới tháng 12/2020 thì đã tuyên bố phá sản và nhà đầu tư khi đó đã vỡ mộng lợi nhuận.
Đa phần khách hàng tại dự án này đều cho rằng mình mua sản phẩm đầu tư bất động sản biển vì khi đó dự án chào bán rất nhiều, nguồn cung được tăng cao và quảng cáo cũng như cam kết từ những nhà đầu tư rất hấp dẫn nên mới mua.
Và hiện nay, nhìn vào câu chuyện thị trường bất động sản biển phía Nam cũng đang diễn ra như kịch bản tại Đà Nẵng năm xưa”, ông Thiện nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho rằng tới thời điểm nay chưa có chủ đầu tư nào trả lời được cho người mua về sở hữu có thời hạn hay vĩnh viễn bởi tính pháp lý của dòng sản phẩm bất động sản này vẫn nằm trên giấy nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đối với loại hình sản phẩm này cần thời gian dài nữa để khẳng định thị trường cũng như tạo được sức hút thực sự, chí ít là cũng quay lại như trước bởi lòng tin của khách hàng với phân khúc này sau vụ “bê bối” tại dự án Cocobay đã làm cho khách hàng mất đi niềm tin vào nó.
Cũng theo ông Long thì, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến chủ đầu tư và khách hàng đều lo lắng.
Giả sử có sản phẩm bán ra để cho nhà đầu tư kinh doanh khai thác cũng là bài toán nan giải, bởi rất nhiều vấn đề đặt ra: liệu kinh doanh có tốt không, COVID-19 kéo dài trong bao lâu, làm như thế nào để bảo đảm doanh thu, thanh toán đúng hạn?
“Điều này sẽ kéo theo câu chuyện triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng biển nói riêng không phải là màu sáng tích cực như các loại hình bất động sản khác”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia bất động sản còn chung nhận định rằng để thị trường bất động sản biển Việt Nam phát triển hơn nữa, cần tìm lời giải cho một số câu hỏi lớn như:
Tầm nhìn nào sẽ thích hợp cho việc phát triển các đô thị ven biển. Làm thế nào để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các vùng ven biển Việt Nam. Làm thế nào để chuyển giao các kết quả xã hội, môi trường và kinh tế….
Khi những lời giải này được giải thị trường bất động sản biển mới phát triển đúng với mong ước của cả doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư.
Theo NĐT
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bat-dong-san-bien-phia-nam-e-khach-a12069.html