Lời kể của nạn nhân dính bẫy "việc nhẹ, lương cao" ở nước ngoài

Công việc của M. dù làm chứng khoán, hay game đánh bạc cũng rất "lạ". Chúng yêu cầu M. phải dùng nhiều tài khoản ảo mạng xã hội Zalo, Facebook kết bạn với nhiều người khác tại Việt Nam...

Chị K.M. (SN 1987, ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: M. rời quê đến TP.HCM để làm nhân viên cho các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, lương hơn 8 triệu đồng/tháng. M. còn phải gửi tiền về quê cho cha mẹ ruột chăm sóc đứa con vừa tròn 5 tuổi, phần còn lại trang trải tiền phòng trọ, chi phí đi lại sinh hoạt...

Cách đây vài tháng, cha ruột của M. ốm nặng phải nhập viện điều trị tại bệnh viện ở TP.HCM. M. phải vay nóng hơn 20 triệu đồng để trả nợ. Gần đây, chủ nợ đòi tiền lãi hằng ngày ráo riết, nên M. quyết định tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn để mong sớm trả hết nợ".

Lời kể của nạn nhân dính bẫy "việc nhẹ, lương cao" ở nước ngoài - Ảnh 1.

Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận một số nạn nhân được giải cứu.

Đầu tháng 7/2023, M. vào mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm thì thấy thông tin tuyển dụng làm công việc về chứng khoán tại Campuchia với mức lương từ 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng/tháng. M. đã nộp hồ sơ và ngay lập tức được bên tuyển dụng hướng dẫn hoàn tất thủ tục xuất cảnh sang Campuchia làm việc như làm giấy xác nhận nơi cư trú, photocopy bản sao căn cước công dân, hộ chiếu... 

Sau đó, M. được nhóm đối tượng lạ mặt đón gần Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP.HCM) để đưa đến cửa khẩu thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh) sang Campuchia làm môi giới chứng khoán. Cùng đi theo M. trên xe ôtô còn có rất nhiều người khác đều ở Việt Nam. Sau đó, bọn chúng tính phí khoảng 20 triệu đồng gồm tiền dịch vụ đưa đón, làm thủ tục xuất cảnh, mua chăn, gối...

Khi qua đến văn phòng giáp biên giới Campuchia và Thái Lan thì chúng "ép" cô vào một căn phòng chật chội, ẩm thấp, trong phòng cũng có 3 - 4 cô gái khác lâm vào cảnh tương tự. Tại đây, chúng yêu cầu M. phải làm game đánh bạc khoảng 3 tháng trả hết nợ thì mới được trả thêm tiền. M không đồng ý thì chúng chuyển cho làm môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, công việc của M. dù làm chứng khoán, hay game đánh bạc cũng rất "lạ". Chúng yêu cầu M. phải dùng nhiều tài khoản ảo mạng xã hội Zalo, Facebook kết bạn với nhiều người khác tại Việt Nam.

Để chiêu dụ "con mồi", chúng yêu cầu M. rằng, đối với nam thì giả gái, còn đối với gái phải giả nam để kết bạn. Đặc biệt, copy nhiều hình ảnh của các cô gái, chàng trai đẹp về ngoại hình, tập thể hình... để sử dụng làm hình ảnh đại diện trang cá nhân. Tài khoản của M. còn luôn được cài đặt nhiều video khỏa thân của các cô gái, chàng trai để khách xem miễn phí. Khi nạn nhân dính bẫy sẽ chuyển tiền đầu tư chứng khoản "ảo", nạp tiền chơi game thì chúng chặn liên lạc.

M. làm môi giới được được một thời gian và thấy mình không phù hợp với công việc. Lúc này, chúng đưa M. sang công ty khác để đóng giả thành nhân viên bán hàng trực tuyến, tìm cộng tác viên việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội. Khi các cộng tác viên bán được sản phẩm nhỏ từ 2 đến 3 triệu đồng thì công ty sẽ chuyển tiền gốc và phần trăm hoa hồng (từ 10 đến 15%) cho cộng tác viên. Cộng tác viên bán được 10 đến 15 triệu đồng, công ty không cho nhận và muốn nhận thì họ phải nộp thêm tiền. Khi "con mồi" tiếp tục nạp tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng để nhận thưởng thì bị chặn không liên lạc được.

M. van xin bọn chúng được cho mình trở về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu phải trả hơn 80 triệu đồng (gồm thêm các khoản chi phí ăn uống, đưa đón đoạn đường gần 100km về đến cửa khẩu giáp biên giới với Việt Nam). Không chỉ vậy, chúng còn không cung cấp thức ăn cho M. suốt nhiều ngày. Chúng cho M. liên lạc với người thân ở Việt Nam chuẩn bị tiền để giải cứu. Gia đình của M. phải vay khắp nơi để kiếm tiền đưa M. về Việt Nam.

Chị N.H. (ngụ TP.HCM) cũng bị lừa sang Campuchia làm game đánh bạc với mức tiền lương gần 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tiền lương chưa thấy mà nạn nhân đã bị các đối tượng bất hảo lừa chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng gọi là "thế chân" cho chi phí đưa đón, sinh hoạt. Sau đó, chị H. cũng phải vay người thân hơn 60 triệu đồng để được trở về Việt Nam.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, bọn lập đường dây để lôi kéo đưa người Việt sang Campuchia hoạt động rất tinh vi. Đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bạc. Tại đây, người lao động bị ép làm những công việc nặng nhọc, bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập tàn nhẫn và phải nộp khoản tiền vài nghìn USD nếu muốn thoát ra trở về Việt Nam với gia đình. 

Do vậy, mọi công dân tự bảo vệ bản thân và gia đình mình bằng cách cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch. Tốt nhất là từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen để tránh tiền mất, tật mang...

Đ.Mừng-N.Minh (CAND)

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/loi-ke-cua-nan-nhan-dinh-bay-viec-nhe-luong-cao-o-nuoc-ngoai-a121162.html