Chưa tập trung xây dựng gian hàng chất lượng
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển, là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế.
Từ năm 2017 – 2022, TMĐT Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16-25%. Mua sắm trên sàn TMĐT, các mạng xã hội trở nên sôi động hơn trước nhiều.
TMĐT, kinh doanh trực tuyến không chỉ giới hạn B2C, mà còn B2B, C2C. Các DN không chỉ kinh doanh trong nước mà còn xuất khẩu xuyên biên giới. Các sản phẩm được kinh doanh trên sàn TMĐT cũng rất phong phú, đa dạng. Do đó, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có thể tận dụng cơ hội kết nối với đối tác quốc tế từ TMĐT.
Giới chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển và lợi ích của TMĐT mang đến cho các DN, dù là kinh doanh trong nước hay xuất khẩu đều rất lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác hết những cơ hội, những lợi thế đó thì thì đối với nhiều DN nhỏ và vừa vẫn còn không ít thách thức.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hiệu quả từ kinh doanh trực tuyến.
Tại sự kiện kết nối “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua TMĐT” ngày 10/8 tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc VCCI đánh giá, việc tận dụng lợi thế và lợi ích của TMĐT với các DN nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế.
Thực tế cho thấy, không ít DN nhỏ và vừa còn thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến, khó khăn trong việc tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Nhiều DN nhỏ và vừa xuất khẩu chưa nắm được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu.
DN còn chưa thực sự tập trung đầu tư vào chăm sóc, xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng TMĐT để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng... Ngoài ra, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương thừa nhận, hoạt động TMĐT tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hiệu quả hay tìm được định hướng phát triển bền vững vào quản trị, vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Để kết nối với thị trường thế giới qua TMĐT, một số nhà xuất nhập khẩu hiến kế, cộng đồng đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa... cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như luôn đặt ra những yêu cầu cao hơn trong tìm kiếm trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng thay vì chỉ tập trung vào khuyến mãi.
Điển hình, người tiêu dùng toàn cầu có xu thế ưa chuộng trải nghiệm trí tuệ nhân tạo trong tính năng tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh; cá nhân hóa đề xuất mặt hàng dựa trên lịch sử hay ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR-trải nghiệm sản phẩm trực tuyến.
Hơn thế nữa, hướng đến kinh doanh có trách nghiệm trên thị trường TMĐT, cộng đồng đơn vị sản xuất kinh doanh, DN nhỏ và vừa... phải chủ động thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên các sàn, website, mạng xã hội...
Tận dụng cơ hội từ FTA
Nhấn mạnh đế lợi ích từ các FTA, các chuyên gia khuyến nhị, DN nên chủ động tận dụng cơ hội TMĐT xuyên biên giới đến từ các FTA thế hệ mới.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh nhận định, những FTA mà Việt Nam tham gia mang lại cơ hội ưu đãi thuế quan đa dạng lĩnh vực và mức độ khác nhau. Đồng thời, tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong các nước cùng là thành viên FTA... Tuy nhiên, những FTA này cũng đặt ra nhiều thách thức như quy tắc xuất xứ, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại và phát triển bền vững...
Trong đó, quy tắc xuất xứ có thể xem như là một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu đầy tiềm năng. Quy tắc xuất xứ cũng là một trong những rào cản lớn của DN trong tận dụng ưu đãi từ FTA, nhất là những ngành hàng mà Việt Nam không có thế mạnh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu như may mặc, thiết bị điện, xe đạp...
Hiện người tiêu dùng toàn cầu đã và đang ưu tiên tiêu dùng bền vững dẫn đến người mua hàng hạn chế mặt hàng tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Điều này dẫn đến người mua hàng ngày càng chú ý đến giá trị thương hiệu, sản phẩm đạt mục tiêu kép "xanh và sạch" để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện tại và trong tương lai.
Trong bối cảnh này, cần thiết phải có sự chủ động thay đổi từ phía các DN để thích ứng. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là những dự án hỗ trợ từ các cơ quan trong nước và quốc tế.
Được biết, hiện có Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp DN nhỏ và vừa Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết DN” và Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DN nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV-Export).
Các dự án này do Liên minh châu Âu tài trợ và được phối hợp thực hiện bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng VCCI. Ban tổ chức kỳ vọng, các dự án này sẽ giúp DN học hỏi được kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia quốc tế cũng như có sự hỗ trợ về tài chính để tận dụng hiệu quả các cơ hội cho phát triển.
Nguyệt Minh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-lo-co-hoi-vi-thieu-ky-nang-kinh-doanh-truc-tuyen-a123213.html