Dịch COVID-19, các dịch vụ thanh toán điện tử vẫn tăng trưởng mạnh

Năm 2020, nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, hệ thống thanh toán điện tử đã tận dụng "nghịch cảnh" để đẩy mạnh phát triển, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) với nhiều hình thức ưu đãi. Điều này vừa hỗ trợ thiết thực tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các dịch vụ TTKDTM, góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

 
 

 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN).Ảnh:VGP/HT.
Để thúc đẩy TTKDTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam với những chỉ đạo cụ thể tới các đơn vị như NHNN, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an. Mục tiêu của Chính phủ là giảm thiểu việc dùng tiền mặt các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển TTKDTM trong lĩnh vực thương mại, y tế, giáo dục, đấu tranh hiệu quả với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao…
 

Trong đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã bám sát chỉ đạo chỉ đạo của Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc sống và xử lý nhiều vấn đề cấp bách của xã hội.

NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Trong đó, các văn bản điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN, các văn bản sửa biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN trên nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với bối cảnh thị trường, thông lệ quốc tế; hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (e KYC) không cần gặp mặt trực tiếp để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.

NHNN cũng ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (kèm theo QĐ số 711/QĐ-NHNN) và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50 của Chính phủ (kèm theo QĐ số 1238/QĐ-NHNN) nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số…

Có nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần giải quyết những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH). Đối với phí chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống 24/7 của NAPAS:  100% ngân hàng đã tham gia thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với các giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống), theo đó, khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng được miễn hoặc giảm phí.

Đồng thời, 100% các tổ chức tín dụng (TCTD) đều thực hiện miễn phí đối với các giao dịch thanh toán điện tử, giao dịch các dịch vụ công; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Dù bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống ngân hàng, các hoạt động TTKDTM và thanh toán dịch vụ công trong năm 2020 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động.

Tính đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Năm 2020 chứng kiến nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/ học máy, Blockchain, eKYC,… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng có sự tăng trưởng vượt bậc.

Về phương hướng nhiệm vụ sắp tới, ông Phạm Tiến  cho biết, trong năm 2021, NHNN tập trung hoàn thành các giải pháp về thanh toán đã đề ra. Trong đó, NHNN sẽ phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, trong đó tập trung hoàn thành trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng); nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.

NHNN sẽ tiếp tục mở rộng triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH), qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có thanh toán dịch vụ công.

Ngoài ra, NHNN thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN4.0 trong hoạt động thanh toán, tăng cường hợp tác ngân hàng-Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh tăng trưởng, NHNN sẽ tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán”, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định.

 

Anh Minh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/dich-covid-19-cac-dich-vu-thanh-toan-dien-tu-van-tang-truong-manh-a12426.html