"Ma trận" Forex/CFD (kỳ 4): Vòng vèo dòng tiền - Vào dễ, ra khó

Mục tiêu "tối thượng" của các sàn Forex, CFD lậu là giữ người chơi trong vòng xoáy giao dịch, càng nạp thêm nhiều tiền càng tốt và điểm cuối hoặc là cháy tài khoản, hoặc không thể rút tiền ra...

Bức tranh Forex mặc dù được các nhà môi giới vẽ toàn bằng gam màu hồng nhưng thị trường này lại không hề đơn giản như vậy. Ngay từ khi người chơi bắt đầu xuống tiền, rủi ro đã xuất hiện và theo họ đến tận khi tiền đã được rút ra khỏi tài khoản Forex.

RỦI RO NGAY KHI XUỐNG TIỀN

Theo tìm hiểu của VnEconomy, người chơi sẽ có hai cách để nạp tiền vào chơi Forex. Cách thứ nhất là qua IB (Introducing broker), tức qua bên môi giới; cách thứ hai là tự nạp.

Trong đó, nạp tiền thông qua môi giới được đa số người chơi mới lựa chọn. Bởi lẽ, ưu điểm của việc này khá rõ ràng, đó là sự đơn giản. Cứ đưa tiền, mọi việc coi như đã xong, chẳng cần nghĩ ngợi nhiều về giấy tờ thủ tục, cũng chẳng cần bấm nút hay đăng ký, đăng nhập ở đâu.

Mặt khác, môi giới luôn khoác cho mình chiếc áo chuyên gia, ngày nào cũng thấy lên mạng xã hội khoe lệnh "xanh mướt", kiếm tiền dễ như bỡn với từng đợt chốt lãi vài trăm đến vài nghìn USD. Vì vậy, những người chơi mới luôn tự trấn an, gạt bỏ mọi vướng mắc để trao toàn bộ niềm tin và tiền bạc cho môi giới.

Tuy nhiên, sau khi tham gia nhiều nhóm Forex trên facebook cũng như các diễn đàn ngoại hối, chúng tôi nhận thấy rằng, nạp tiền qua môi giới lại lành ít dữ nhiều.

Trên nhóm Forex – Đầu tư thông minh, một thành viên tên N.V than vãn: "Mình mới tìm hiểu Forex gần đây. Xong lên mạng quen 1 người làm IB. Hôm qua mình có nhờ người đó nạp tiền vào tài khoản MT4. Nạp bằng hình thức chuyển nội bộ qua IB với số tiền 1K USD (1.000 USD). Nhưng từ lúc chuyển tiền xong là không liên lạc được nữa. Anh em có cao kiến gì cho em một ý kiến, có số tài khoản người nhận".

Chia sẻ trên diễn đàn khác, một người tham gia Forex hơn chục năm chia sẻ rằng, có những IB rất lớn và uy tín, có thể nạp rút cho mọi người nhanh chóng, tuy nhiên nếu phải đưa tiền cho người khác để nạp mà không có mảnh giấy xác nhận thì tốt nhất là không nên.

"IB bản chất không phải là nhân viên của sàn, không đại diện cho sàn. Đưa tiền cho IB là đưa tiền giữa cá nhân với cá nhân. Các đội nhóm IB ở Việt Nam bây giờ biến tướng khá nhiều", thành viên này giải thích.

Ma trận Forex/CFD (kỳ 4): Vòng vèo dòng tiền - Vào dễ, ra khó - Ảnh 1.

Nhân viên sàn MEXFUND gửi chúng tôi các phương thức để nạp tiền.

Quay lại phương thức nạp tiền thứ hai vào Forex. Phương thức nạp này được chia thành nhiều cách nhỏ hơn như qua thẻ visa/master, local bank (chuyển tiền trong nước), ví điện tử.

Hiện phương thức qua ví điện tử thịnh hành nhất do tiết kiệm được thời gian, không mất phí giao dịch, được sàn Forex ưu tiên để lợi dụng kẽ hở trung gian thanh toán. Trong khi, phương thức qua thẻ visa/master đang bị nhà điều hành siết chặt, còn chuyển khoản trong nước lại quá "lộ".

Đáng chú ý, gần như các sàn Forex chúng tôi tìm hiểu đều giao dịch qua ví điện tử ngân lượng có địa chỉ web nganluong.vn. Song khi nộp tiền, người chơi không nhất thiết phải mở ví mà chỉ cần nạp theo cú pháp có sẵn.

Ví dụ, người chơi chuyển tiền vào số tài khoản uỷ nhiệm 0541000197XXX, tên chủ tài khoản Công ty Cổ phần Ngân Lượng tại Vietcombank chi nhánh Chương Dương – Hà Nội. Nội dung chuyển tiền: Payments tên sàn + số mt4/mt5 + gmail đăng ký tài khoản.

Trao đổi với một người chơi có tiếng trong giới Forex, anh này cho biết, việc nạp tiền vào tài khoản của các sàn mà có sử dụng chuyển khoản nội địa hay các ví điện tử nội địa như ngân lượng thì tiền của mình sẽ không trực tiếp đến với tài khoản của sàn mà sẽ vào tài khoản của một bên thứ 3 tại Việt Nam. Đây có thể là đơn vị được uỷ quyền bởi sàn để hỗ trợ nhà đầu tư.

"Việt Nam chưa cấp phép sàn giao dịch ngoại hối. Nếu các đơn vị kia bị "sờ gáy" thì tiền của mình cũng bốc hơi. Vậy nên người chơi thường làm thêm cái ví điện tử nước ngoài như skrill, webmoney… Dù có lằng nhằng lúc đầu nhưng vẫn an toàn nhất", anh này chia sẻ.

RA RỒI VẪN CHƯA THOÁT?

Nạp vào chơi đã khó khăn, cũng chưa cần tính đến chuyện bị thua lỗ, người chơi còn gặp vô vàn rủi ro khi rút tiền.

Đặc biệt, khi người chơi có lãi, một số sàn không uy tín (theo cách gọi của người chơi) thường viện lý do như sàn bị lỗi giãn spread (chênh lệch giá mua bán) quá cao; thu hồi lợi nhuận người chơi do mua bán trên cùng một cặp tiền tệ trong thời gian ngắn; tài khoản thiếu thông tin… Nói chung, sàn sẽ tung ra đủ mọi lý do để không cho khách rút tiền hoặc chỉ cho rút tiền gốc.

Ở trường hợp khác, trên sàn uy tín mọi chuyện cũng chưa phải đã dễ dàng. Như đã nói bên trên, người chơi có thể dùng thẻ visa/master trong việc nạp tiền vào sàn giao dịch Forex.

Rút tiền bằng thẻ cũng được nhưng chỉ được rút bằng hoặc thấp hơn số tiền đã nạp, còn nhiều hơn, tức giao dịch có lời thì phần lời được chuyển bằng đường bank wire (chuyển khoản tiền mặt trực tiếp từ nước ngoài về).

Ma trận Forex/CFD (kỳ 4): Vòng vèo dòng tiền - Vào dễ, ra khó - Ảnh 2.

Danh sách ngân hàng được quyền rút và nạp qua cổng ngân lượng tại một sàn Forex.

Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 28/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành công văn số 7076/NHNN-TT ngày 25/9/2020 về việc đảm bảo các giao dịch thẻ quốc tế phù hợp với quy định Việt Nam.

Vì vậy, nhiều người chơi khi rút tiền đã bị ngân hàng thương mại chặn với lý do liên quan đến tiền ảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Số tiền này sẽ được ngân hàng thương mại hoàn trả về đại lý, tức trả về sàn Forex nhưng người chơi sẽ phải rất vất vả để thoả thuận với chủ sàn về cách rút tiền khác. Bởi lẽ, theo quy định chung của các sàn, tiền được nạp bằng đường nào thì phải rút phần vốn gốc ra bằng đường đó.

Mặt khác liên quan đến vấn đề pháp lý, ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ có tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối được thực hiện cung ứng dịch vụ mua, bán ngoại tệ và thực hiện dịch vụ phát sinh trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế. Tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch mua, bán ngoại tệ và giao dịch phát sinh tại tổ chức tín dụng được phép.

"Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ một sàn Forex nào tại Việt Nam. Do vậy, hoạt động của sàn Forex tại Việt Nam là vi phạm pháp luật. Việc người dân tham gia vào các sàn giao dịch Forex bất hợp pháp là hành vi vi phạm quy định của pháp luật", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Nhóm PV

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ma-tran-forex-cfd-ky-4-vong-veo-dong-tien-vao-de-ra-kho-a12521.html