Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm thị trường ngách để vượt khó

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cần “năng nhặt chặt bị”, tận dụng sự năng động, đổi mới sáng tạo để thay đổi mặt hàng, tìm thêm mặt hàng mới cũng như thị trường ngách.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 7 tháng năm 2023 hết sức khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp rút đơn hàng, thu nhỏ đơn hàng lại, sản xuất đơn hàng nhỏ, giảm giá, bất đắc dĩ cho công nhân nghỉ việc.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính chung 7 tháng năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điều này kéo theo một loạt hệ lụy liên quan đến sức mua và tinh thần của doanh nghiệp bị suy giảm.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng thị trường giá cả còn gặp nhiều khó khăn.

“Tôi dự đoán, cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa những tháng còn lại của năm 2023 đều rất khó khăn. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã giảm 12% và hầu hết các mặt hàng đều giảm. Chỉ trừ có xuất khẩu gạo là khá”, ông Phú cho biết.

Về tiêu dùng nội địa, theo ông Phú, dù doanh số bán lẻ của 7 tháng năm 2023 tăng trưởng 12% nhưng nếu theo tổng quy mô doanh số thì chỉ bằng 80% của trước đại dịch COVID-19 (từ 2019 trở lại).

Người dân hiện đang tiết kiệm chi tiêu, tích lũy, đề phòng những vấn đề đột xuất và thu nhập cũng không tăng nhiều. Trong khi đó, giá điện, nước, sách giáo khoa và nhiều mặt hàng tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên.

Giá cả trên thị trường có nhiều vấn đề vô lý. Việc mua bán đang có nhiều khâu trung gian để đẩy giá lên, khiến người tiêu dùng thiệt thòi và người sản xuất không có lãi.

Nhiều nông sản sạch nhưng lại ít đưa vào hệ thống siêu thị do vấn đề chiết khấu cao, do chi phí và một số vấn đề tế nhị khác.

“Hệ thống phân phối thắt lại trong khi sản xuất dồi dào đã và đang khiến thị trường giá cả đã khó càng thêm khó. Chính chúng ta đang tự hại chúng ta. Chúng ta chưa thực hiện được việc rủi ro chia sẻ, lợi nhuận hài hòa”, ông Phú nói.

6 tháng cuối năm 2023, thị trường giá cả được dự báo có khả năng khởi sắc hơn.

Ông Phú nhận định, 6 tháng cuối năm, thị trường giá cả có khả năng khởi sắc hơn 6 tháng đầu năm. Bởi vậy, hai quý còn lại của năm phải phấn đấu kéo GDP lên 8% thì mới đạt được mục tiêu đề ra cho bình quân cho cả năm là 6,5%.

Nhiệm vụ này là rất khó khăn vì nền kinh tế đang gặp khó về tổng cầu, chuỗi cung ứng, chi phí, sự liên kết.

Đó là chưa kể đến chính sách kinh tế còn một số vấn đề lúng túng. Ví dụ như lãi vay ngân hàng, trước đây lên đến 9-10%, gần đây hạ xuống 7-8% nhưng vẫn cao so với các nước.

Thậm chí, ngân hàng đang thừa vốn nhưng doanh nghiệp không dám vay vì sản xuất, bán hàng kém. Nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng rất khó. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng năm 2023 mới đạt 56%.

Khuyến nghị với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Phú nhấn mạnh doanh nghiệp cần “năng nhặt chặt bị”, tận dụng sự năng động sáng tạo, đổi mới sáng tạo để thay đổi mặt hàng.

Cùng với đó, tìm thêm mặt hàng mới, tiếp cận với bạn hàng có trách nhiệm, tìm thêm thị trường ngách tại châu Phi, Tây Á, Đông Á để phát triển. Đặc biệt là củng cố tư tưởng trong nội bộ doanh nghiệp để có thể trụ vững trong giai đoạn này. Đưa công nghệ số vào quản lý để giảm chi phí.

Hà Anh 

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-tim-thi-truong-ngach-de-vuot-kho-a126765.html