Sáng 12/9, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “ Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam” trong khuôn khổ Festival nông sản Việt Nam - Vĩnh Long, năm 2023. Các đại biểu tham dự là các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường đại học, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam” là sự kiện quan trọng, cần thiết để các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà khoa học và nhà quản lý cùng trao đổi, bàn luận về xu hướng thị trường nông sản thế giới; chế biến và xuất khẩu nông sản; cách tiếp cận chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến, để mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, hiệu quả tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL.
Hội thảo cũng là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời cũng là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp; từ đó tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam.
Báo cáo ngành chức năng cho thấy, nông sản là một trong những ngành cung cấp nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thị trường thế giới như gạo, thanh long, chuối, mít và xoài, đến cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 48,6 tỷ USD. 4 thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Còn theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng rau quả xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 (3,16 tỷ USD). Có thể nhận thấy, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia.
Tuy nhiên, theo PGS,TS Võ Thành Danh - Trường Kinh tế (Đại học Cần Thơ) thị trường nông sản đang có cơ hội và thách thức đan xen, trong đó, thách thức rõ nhất là sự không chắc chắn của thị trường thế giới do những rủi ro về chính trị, khả năng dịch chuyển hay đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường nông sản luôn bị áp lực về thặng dư cung. Trong khi thị trường nông sản trong nước liên kết cung cầu còn yếu, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa chuyên môn hóa cao, nông sản xuất khẩu phần lớn là xuất thô, giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, cần có chiến lược nâng cao giá trị nông sản, mang lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu cho người nông dân.
“Một trong những giải pháp trọng tâm nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam là phải đa dạng hóa sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, phát triển mạnh các ngành nghề chế biến nông sản, đẩy mạnh xúc tiến thị trường ở các thị trường tiềm năng, củng cố liên kết tiêu thụ nông sản, xây dựng phát triển hệ thống hợp tác xã (HTX), liên kết giữa các công ty”, ông Danh nhấn mạnh.
Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản, tiếp cận chuỗi giá trị, PGS,TS Lưu Thanh Đức Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế (Đại học Cần Thơ) gợi ý, nông dân cần hiểu rõ lợi ích liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm để tự nguyện hợp tác sản xuất quy mô lớn, cùng quy trình sản xuất, đồng chất lượng và giảm giá thành sản xuất; tham gia tập huấn về thị trường lúa gạo, chất lượng và quy trình sản xuất lúa chất lượng cao.
PGS,TS Hải đề nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nông dân trồng lúa chất lượng cao, trong liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, ít tốn công và chống chịu sâu dịch bệnh hại, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong mô hình sản xuất lúa chất lượng cao”.
Nói về vai trò HTX trong liên kết sản xuất – thu mua – chế biến và xuất khẩu nông sản, Ths Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh có 114 HTX nông nghiệp – thủy sản; lợi nhuận bình quân đạt 322 triệu đồng/HTX. Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX và liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như mô hình liên kết sản xuất lúa với tập đoàn Lộc Trời; mô hình liên kết tiêu thụ khoai lang…
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hợp đồng liên kết giữa người nông dân với HTX và doanh nghiệp thiếu bền vững nhất là trong thời điểm giá cả thị trường có sự biến động.
Theo ông Liêm, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, trước hết phải phát triển chuỗi nông sản, thống nhất đồng bộ từ khâu sản xuất – thu mua – chế biến và xuất khẩu.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các nông dân giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp đối với các diễn giả, nhà khoa học về nhiều vấn đề có liên quan trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hạn chế cảnh “được mùa mất giá”, điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” của người nông dân, vấn đề quy hoạch vùng trồng và tiêu thụ sầu riêng và trái cây đặc sản như xoài, cam, thanh long…