Khốn đốn vì đem hết gia sản đi ký gửi cà phê

Dồn hết tài sản gia đình mua khoảng 100 tấn cà phê rồi ký gửi cho công ty Xuân Anh chờ giá lên để lấy lãi, nhiều người dân như chị Thủy rơi vào nguy cơ sạt nghiệp.

Người dân lo lắng mất trắng tài sản

Chiều 12/1, thượng tá Trần Bình Hưng - Trưởng Công an huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã nhận được hàng chục đơn thư của người dân về việc một đại lý mua bán nông sản không trả tiền.

“Cho đến ngày 11/1, đơn vị đã nhận được 22 lá đơn của người dân, hiện đang xác minh, làm rõ” – Thượng tá Hưng cho hay.

Đầu tư - Khốn đốn vì đem hết gia sản đi ký gửi cà phê

Nhiều người dân lo lắng vì không đòi được nợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều ngày nay hàng chục người dân liên tục kéo đến công ty TNHH Nông sản Xuân Anh (gọi tắt là công ty Xuân Anh, địa chỉ tại thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) do bà Nguyễn Thị Kim Anh làm chủ - để đòi nợ nhưng lực bất tòng tâm.

Trao đổi về vấn đề này, bà Cù Thị Vĩ (SN 1977, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cho biết, cho đến sáng 3/1, bà có bán cho bà Kim Anh hơn 4 tấn cà phê, tương đương với số tiền hơn 136 triệu đồng. Quá trình mua bán, bà Kim Anh hẹn bà hôm sau lên lấy tiền. Tuy nhiên, đến ngày 5/1 bà Vĩ lên lấy tiền thì bà Kim Anh nói không còn tiền để trả.

“Trước đó, tôi thường xuyên làm ăn với bà Kim Anh thì thấy bà ấy rất uy tín. Do đó, không ai nghĩ lại có tình trạng như hiện nay. Thậm chí, mới đây bà ấy còn gọi tôi lên nói làm đơn ra tòa, đi kiện ở đâu thì kiện chứ giờ bà ấy không có tiền trả nữa. Trong khi đó, để có tiền mua số cà phê nói trên bán lại cho bà Kim Anh, tôi phải đi vay nóng của nhiều người. Vì vậy, việc bà Kim Anh không trả tiền đã đẩy cả gia đình tôi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn” – bà Vĩ nói. 

Không riêng gì bà Vĩ, chị Võ Thị Thủy (trú tại thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) cho hay, từ năm 2014 đến nay, chị tích góp, vay mượn tiền để mua cà phê, tiêu của công ty Xuân Anh rồi ký gửi lại công ty này, chờ giá lên để bán lấy lãi. Theo chị Thủy, những năm trước, việc mua bán giữa chị và chủ doanh nghiệp này luôn diễn ra thuận lợi. Do đó, chị đã gần như dùng toàn bộ tài sản của gia đình để mua khoảng 100 tấn cà phê, tiêu (trong đó có hơn 50 tấn cà phê, gần 50 tấn tiêu), với tổng trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng và ký gửi luôn cho bà Kim Anh.

Đầu tư - Khốn đốn vì đem hết gia sản đi ký gửi cà phê (Hình 2).

Nhiều người dành dụm hết tài sản, vay nóng để mua nông sản bán cho doanh nghiệp nhưng không lấy được tiền.

Cũng theo chị Thủy, đến khoảng 19h tối 5/1, bà Kim Anh đã gọi chị đến nói chuyện và cho biết không còn khả năng trả nợ. "Bà ấy nói còn một căn nhà trên đường Tỉnh lộ 8, thuộc xã Quảng Tiến có giá khoảng 10 tỷ đồng nhưng đang cầm cố ngân hàng vay 5,5 tỷ đồng. Do đó, bà ấy nói tôi lo số tiền 5,5 tỷ đồng để sáng ngày 6/1 bà ấy chở tôi đi trả  ngân hàng rồi lấy sổ ra. Sau đó, tôi bán căn nhà này thì sẽ gỡ được lại số tiền bà ấy nợ. Bà ấy biết rõ tôi không có khả năng xoay sở số tiền lớn như vậy nên mới nói vậy. Hơn nữa, theo tôi được biết thì bà Kim Anh này còn nói với nhiều người khác sẽ gán nợ bằng căn nhà nói trên. Sự việc xảy ra khiến tôi suy sụp hoàn toàn nhiều ngày nay, mất ăn, mất ngủ và không còn tâm trí nào để làm ăn” - chị Thủy nói.

Điều đáng nói, không chỉ chị Thủy mà còn có 5-6 người thân của chị đã tin tưởng gửi tiền mua cà phê của bà Kim Anh. Thậm chí, bố ruột của chị còn mang số tiền 450 triệu đồng tiền mặt gửi cho chủ doanh nghiệp này để lo cho tuổi già. Tuy nhiên, hiện nay những người thân trong gia đình chị không ai lấy được đồng nào.

Chủ doanh nghiệp nói gì?

Không chỉ vậy, theo tìm hiểu hàng chục người dân khác cũng lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không lấy được tiền mua bán nông sản với công ty Xuân Anh. Bà Phạm Thị Hồng (trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cho biết, trước đó bà đã làm hợp đồng bán hơn 160 tấn cà phê nhân giá 33.500 đồng/kg cho bà Kim Anh. Trong đó, đã xuất hóa đơn 150 tấn, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng và hẹn trả tiền vào ngày 30/12/2020. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều lần hứa hẹn bà Kim Anh vẫn chưa thanh toán số tiền này cho bà Hồng.

“Toàn bộ số cà bán cho công ty Xuân Anh là do tôi nhận ký gửi, thu mua của người dân. Sau khi nghe thông tin, nhiều người dân ồ ạt kéo đến yêu cầu tôi trả tiền nhưng tôi cũng chỉ biết hẹn lại bởi không có tiền để chi trả”- bà Hồng nói.

Tương tự, nhiều người khác đang bị bà Kim Anh nợ tiền cũng rơi vào tình trạng như “ngồi trên đống lửa” vì đang đứng trước nguy cơ trắng tay, trong khi liên tục bị người dân đến đòi nợ. Theo một số người dân, trước đây vì thấy bà Kim Anh uy tín nên họ tin tưởng. Giải thích về vấn đề này, bà Lê Thị Thúy Phụng (SN 1975, trú tại xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hơn 10 năm nay, ngày nào bà cũng đi thu mua tiêu của người dân để bán cho công ty Xuân Anh. Quá trình làm ăn, thấy bà Kim Anh thanh toán tiền sòng phẳng nên bà Phụng cũng như nhiều người dân, đại lý khác rất tin tưởng. Thế nhưng, hiện nay công ty Xuân Anh đã mua của bà tổng cộng khoảng 20 tấn tiêu, tương đương với hơn 1 tỷ đồng và hẹn đến ngày 30/12 nhưng đến nay không trả.

Đầu tư - Khốn đốn vì đem hết gia sản đi ký gửi cà phê (Hình 3).

Hàng chục người dân tập trung đến công ty Xuân Anh để đòi nợ.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã tìm đến công ty Xuân anh để có cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Kim Anh. Bà Kim Anh cho biết: “Trong rắc rối này, tôi đang tư tưởng không thông, thần kinh không ổn. Tôi kinh doanh 5-7 năm nay rồi, mua vào tiêu cao bán thấp (từ 65.000 đồng rớt còn 35.000 đồng), còn người ta gửi vào thì tiền lãi, tiền lời, tiền nóng, tiền nguội muốn xác minh thì phải lên cơ quan pháp luật".

Theo bà Kim Anh do đùng một cái xuất hiện tin xấu nhất là bà vỡ nợ khiến nhiều người dồn dập đến đòi tiền nên bà không kịp trở tay. Đồng thời, bà Kim Anh cũng khẳng định, không có vấn đề lừa đảo.

Đầu tư - Khốn đốn vì đem hết gia sản đi ký gửi cà phê (Hình 4).

Lực lượng công an có mặt để đảm bảo an ninh trật tự.

Giải thích về việc đồng loạt hẹn người dân trả tiền vào ngày 30/12/2020, bà Kim Anh cho biết: “Theo nguyên tắc, người dân gửi tiền cho tôi thì không thể nào rút ngay được. Do đó, nguyên tắc của tôi lúc nào cũng là 30/12 phải rút. Tôi thu hồi về 30/12 thì dân rút bình thường. Nếu chuyện không đổ bể, ồn ào ra thì người dân tháng nào cũng lấy lãi hết, để cái giấy nợ lại... Chứ nửa chừng, đùng một cái đồn người khác bị bể nợ thì những giấy 30/12 làm sao tôi trở tay kịp”.

Được biết, hiện người dân đã đồng loạt gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp ngăn chặn bà Kim Anh tẩu tán tài sản (nếu có). Theo ghi nhận, trưa 12/1 rất nhiều người dân vẫn tiếp tục tập trung đến công ty Xuân Anh để đòi nợ. Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhiều cán bộ công an đã được điều động đến đây. "Chúng tôi đã ở đây nhiều giờ liền nhưng chủ doanh nghiệp không chịu ra mặt để giải quyết nợ nần" – một người dân nói. 

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/khon-don-vi-dem-het-gia-san-di-ky-gui-ca-phe-a13391.html