Phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm

Báo cáo đánh giá giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế xuất siêu 8 năm liên tiếp, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm. Nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch COVID-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương và triển khai phương án xử lý, từng bước dứt điểm đối với các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, các ngân hàng thương mại yếu kém. Bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Chính phủ tập cũng trung xử lý các vấn đề bộc lộ mới phát sinh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, bên cạnh những kết quả lớn, nền kinh tế vẫn chịu tác động lớn từ biến động kinh tế thế giới. Tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là khá lớn dù đã có một số chính sách phục hồi của trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm.

“Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa được như kỳ vọng. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt kế hoạch.

Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm tiến độ, vướng mắc về thủ tục pháp lý. Thu hút vốn FDI còn gặp nhiều thách thức, nhất là trong việc thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Thu nhập của người dân còn ở mức trung bình thấp, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; an sinh xã hội, giảm nghèo còn nhiều thách thức. Đặc biệt, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn bất cập. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Về tiến độ xây dựng thể chế và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm.

Theo ông Dũng, các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa bảo đảm điều kiện phát triển bền vững.

Về giải pháp, ông Dũng cho biết Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)", ông Dũng nói.

Về nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ đẩy mạnh xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc theo tuyến Bắc - Nam và Đông – Tây. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn). Tập trung đào tạo 50.000 -100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò chủ đạo, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngân Hà

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/phat-trien-doanh-nghiep-co-dau-hieu-chung-lai-nang-luc-hap-thu-von-giam-a134545.html