Gia đình con trai ly tán vì mẹ trót mua đất của Công ty Vạn An Phát

Mới đây, bà Trần Thị Nhung (sinh năm 1956, hộ khẩu thường trú tại số 6 đường Văn Cao, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) trải lòng với PV Thương hiệu và Pháp luật về hoàn cảnh gia đình con trai ruột tan vỡ vì bà đã lấy tiền của con trai mua đất của Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát (Công ty Vạn An Phát)

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, vợ chồng con trai ruột của bà Nhung đã quyết định bán đi tài sản duy nhất là căn nhà nhỏ ở hẻm 579 Đỗ Xuân Hợp, quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) để xoay sở trong cuộc sống và lo toan cho gia đình.

Thấy con trai cực khổ, bà Nhung lặn lội từ Nam Định vào TP. HCM để chăm cháu nội. Lúc này, anh con trai có gửi cho bà Nhung 600 triệu đồng nhờ cất giữ. Vì muốn tìm mua cho con một miếng đất ngoại thành nên bà Nhung đã lên mạng Internet tìm hiểu các thông tin rao bán đất nền vùng ven giá rẻ. Để rồi từ đó, bài học đắt giá cho sự thiếu hiểu biết của mình khi rơi vào cái bẫy “lùa gà” của những môi giới Công ty Vạn An Phát giăng ra. Cuối cùng đứng trước nguy cơ mất hết tiền của, gia đình con trai tan vỡ…

Bà Trần Thị Nhung trải lòng với PV về việc bị nhân viên môi giới Công ty Vạn An Phát giăng bẫy khiến gia đình con trai ly tán.

Vẫn là chuyến xe định mệnh?!

Vào khoảng 5/2020 vì có nhu cầu mua đất ởvùng quen TP. HCM nên bà Nhung đã lên mạng Internet tìm hiểu và đọc được một bài quảng cáo nền đất ở quận 2. Liên hệ đến số điện thoại theo quảng cáo, bà Nhung được một môi giới tên M. hẹn ngày dẫn đi xem đất.

Ngày 17/05/2020, môi giới này đón bà Nhung đi trên 1 chuyến xe 45 chỗ cùng khá nhiều người đi cùng. Đáng nói, chuyến xe này không chở bà Nhung đến quận 2 như đã hứa mà chở thẳng xuống xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, có nhiều cá nhân tự nhận là nhân viên Công ty Vạn An Phát cầm mỗi sơ đồ phân lô xúm vào giới thiệu, vẽ ra những tìm năng sinh lời và năn nỉ đóng tiền giữ chỗ.

Phiếu thỏa thuận đặt cọc và phiếu thu 50 triệu đồng tại khu dân cư xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Chia sẻ với PV, bà Nhung kể: “Môi giới hứa rằng cô cứ đóng tiền giữ chỗ 50 triệu, nếu cô không mua nữa sẽ được hoàn lại. Lúc đó, tôi cũng chưa thật sự muốn mua nhưng vì họ cứ xúm vào khuyên nhủ và hứa sẽ bán được ngay trong vòng 1 tuần nên tôi đánh liều chuyển khoản 50 triệu đồng cho Công ty Vạn An Phát. Tuy nhiên, sau khi bình tâm xem xét, tôi không muốn mua nữa và nhiều lần đến Công ty Vạn An Phát yêu cầu trả lại tiền giữ chỗ 50 triệu đồng thì họ liên tục hẹn tới hẹn lui rồi im bặt”.

Trong lúc chưa đòi được khoản tiền giữ chỗ nói trên (tiền đặt cọc lần 1), khoảng tháng 10/2020, bà Nhung tiếp tục nhìn thấy một bài quảng cáo về đất nền giá rẻ ở quận 9. Liên hệ đến số điện thoại theo hướng dẫn, bà Nhung lại được môi giới hứa dẫn đi xem đất. Qua tìm hiểu, bà Nhung phát hiện đây tiếp tục là các nhân viên của Công ty Vạn An Phát rao bán theo kiểu “treo dầu dê, bán thịt chó” nên từ chối đi xem đất. Tuy nhiên, môi giới lại hứa hẹn “nếu không dắt bà Nhung đi đến quận 9 như đã hứa thì sẽ bù cho bà 1 chỉ vàng”.

Tin lời người này, ngày 15/10/2020 bà Nhung tiếp tục lên xe đi thì lần này được môi giới dắt xuống một khu đất thuộc xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, môi giới tên Đ khẳng định khu đất này nằm ngay trước cửa sân bay Long Thành và rao bán nền đất 120m2 với giá 1,9 tỷ đồng và đưa cho bà Nhung xem một loạt hình ảnh quảng cáo mơ hồ về dự án.

Ban đầu, bà Nhung lưỡng lự không mua nhưng sau đó vì những lời nói có cánh của môi giới như hứa hẹn đây là khu đẹp nhất ở Đồng Nai, với mức giá bán rẻ chưa từng có và Đ cũng sẽ bán nhanh trong 1 tuần để thu về khoản tiền chênh lệch không nhỏ. Tin tưởng, bà Nhung tiếp tục ký giấy đặt cọc 25 triệu đồng giữ chỗ (tiền đặt cọc lần 2).

Đáng nói, lúc bà Nhung kể về việc trước đó cũng đã cọc 50 triệu đồng ở Công ty Vạn An Phát thì các nhân viên môi giới này nhận ra khu đất trên do công ty bán, nên hứa hẹn sẽ gộp khoản tiền 50 triệu đồng nói trên vào khoản tiền bà Nhung vừa cọc (tổng cộng 75 triệu đồng) để mua nền đất được kí hiệu là H2-09 thuộc khu dân cư xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

“Lúc đó tôi không thể hiểu nổi vì sao lại nghe theo lời môi giới như vậy. Bốn bạn môi giới cùng xúm lại khuyên tôi cứ đóng tiền giữ chỗ trước rồi mọi chuyện sẽ sắp xếp sau. Khi biết mục đích của tôi muốn lấy lại 50 triệu đồng đã đóng hồi tháng 5, các môi giới này bày cách cho tôi cứ đặt mua nền ở huyện Thống Nhất giá 1,9 tỷ đồng, thanh toán đợt 1 với 680 triệu. Họ hứa hẹn chỉ sau 3 - 4 ngày là có thể bán nhanh cho người khác để trả lại 50 triệu đồng cho tôi mà không phải mất công đi đòi. Thấy tôi lưỡng lự vì không đủ tiền đóng, môi giới còn nói cậu ta là em của Giám đốc Công ty nên xin cho tôi giảm giá 200 triệu/nền đất (tức 1,7 tỷ đồng), xin thêm chiết khấu tặng 6 chỉ vàng là 30 triệu đồng, hỗ trợ thêm gói cho thuê là 60 triệu đồng. Tổng cộng sau khi đã trừ 75 triệu tôi đã cọc thì tôi chỉ còn phải đóng 515 triệu đồng (tổng 590) để thanh toán đợt 1. Họ dùng rất nhiều lời có cánh, hứa rằng chỉ cần ủy quyền để công ty bán được cho người khác thì tôi đã lời 200 triệu tiền ưu đãi từ giá, cộng thêm 90 triệu chiết khấu thêm và được hoàn 50 triệu đồng cọc ở lần mua trước đó”, bà Nhung cho biết.

Tại thời điểm ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Hưng Lộc, Thống Nhất, Đồng (ngày 16/10/2020) chỉ một mình bà Nhung ký tên, không có đại diện phía Công ty Vạn An Phát ký.

Ngày 16/10/2020, tại văn phòng Công ty Vạn An Phát, các nhân viên công ty yêu cầu bà Nhung ký biên bản thỏa thuận chuyển đổi từ lô đất H2-09 sang lô đất H2-05 cùng thuộc thửa đất 490, tờ bản đồ số 85 thuộc xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Sau khi dụ dỗ được bà Nhung ký hợp đồng nguyên tắc và chuyển khoản thành công 515 triệu đồng, các môi giới tiếp tục yêu cầu bà Nhung ký một bản “hợp đồng ủy quyền” cho Công ty để họ có thể chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3. Tuy nhiên, trên tất cả các hợp đồng ngay thời điểm nói trên đều có chỉ một mình bà Nhung ký tên, không có đại diện phía Công ty Vạn An Phát.

Chiêu thức lừa khách hàng vào tròng của môi giới

Ngay sau khí hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng trên, xem xét lại toàn bộ quá trình chuyển nhượng, bà Nhung nhận Thấy có rất nhiều sự kiện được sắp đặt thành một hệ thống theo ý muốn của Công ty Vạn An Phát nhằm lừa dối, dẫn dụ bà để nhận chuyển nhượng lô đất H2 -05 nêu trên. Một ngày sau (tức ngày 17/10/2020), bà Nhung đã yêu cầu hủy bỏ hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng và đề nghị Công ty Vạn An Phát có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà bà Nhung đã thanh toán 590 triệu đồng.

Phiếu thu tiền đặt cọc và phiếu xác nhận thanh toán đợt 1 khu dân cư xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực thương lượng của bà Nhung, phía Công ty Vạn An Phát vẫn thể hiện thái độ vô trách nhiệm và không chấp nhận yêu cầu của bà Nhung. Sau đó, Công ty Vạn An Phát cung cấp bản “hợp đồng nguyên tắc” có con dấu do Tổng giám đốc Công ty ký tên. Trên “hợp đồng nguyên tắc” thể hiện nội dung bà Nhung đã thanh toán khoản tiền đợt 1, và nội dung sau đó yêu cầu bà Nhung tiếp tục thanh toán các đợt tiếp theo trong thời hạn 1 - 7 tháng.

Đến hạn thanh toán đợt 2 nhưng bà Nhung vẫn chưa đòi được khoản tiền đã đóng, phía Công ty Vạn An Phát bất ngờ gửi thông báo yêu cầu bà Nhung đóng thêm đợt 2 là 20% (tức 340 triệu đồng) hoặc sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng và không hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng đợt 1. Lúc này, bà Nhung tiếp tục gọi môi giới đã hứa “lướt sóng” giúp thì môi giới này tiếp tục khuyên bà Nhung đóng thêm 340 triệu để kéo dài thời hạn tìm khách mua.

“Lúc đó tôi cũng đã hết tiền không còn để đóng, mặt khác sợ đóng thêm thì lại càng mất nhiều hơn nên tôi không đóng nữa. Sau đó thì công ty liên tục gửi các thông báo dọa chấm dứt hợp đồng. Rõ ràng, đây là chiêu thức lừa khách hàng vào tròng của môi giới vì họ biết rõ tôi không có tiền. Trong tài khoản tôi chỉ có đúng 600 triệu của con trai nhờ cất giữ sau khi bán nhà, mục đích của tôi là chỉ muốn tìm một mảnh đất ở TP. HCM nhưng do không hiểu biết nên bị lừa xuống tận Đồng Nai, rồi lại tiếp tục bị lừa mua nền lướt sóng và cuối cùng đứng trước nguy cơ mất hết”, bà Nhung bức xúc.

Đặc biệt, bà Nhung còn phản ánh rằng sau nhiều lần đến công ty đòi tiền thì phía công ty Vạn An Phát đã hứa giải quyết nhưng yêu cầu bà Nhung phải đền 30% giá trị hợp đồng (1,7 tỷ). Nghĩa là bà Nhung đóng tổng cộng 590 triệu thì chỉ được hoàn lại 80 triệu đồng. Hoặc phương án 2 bà Nhung bị phạt 20% giá trị hợp đồng (hơn 400 triệu đồng) nhưng với điều kiện bà Nhung phải mua 1 lô đất khác do công ty bán tại vị trí khác.

Chuyển đơn không hồi kết?

Không đồng tình với các phương án trên, bà Nhung đã gửi đơn khởi kiện Công ty Vạn An Phát (49D Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận, TP. HCM) lên Toà án Nhân dân quận Phú Nhuận, TP. HCM vào ngày 12/11/2020. Tòa án Nhân dân quận Phú Nhuận, TP. HCM (gọi tắt là Tòa án Phú Nhuận) thụ lý lần đầu tiên theo số 904/2020/TLST-DS ngày 25/11/2020.

Đến ngày 28/01/2021 Tòa án Phú Nhuận ra quyết định số 51/2021/QĐST-DS chuyển toàn bộ hồ sợ vụ án đến Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Tòa án Thống Nhất) giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 01/04/2021 Tòa án Thống Nhất ra số 95/TB-TLVA về việc thông báo thụ lý vụ án.

Tuy nhiên, đến ngày 13/08/2021 Tòa án Thống Nhất lại ra quyết định chuyển trả lại hồ sơ cho Tòa án Phú Nhuận với nội dung: “Xét thấy đối tượng tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về giao dịch dân sự hợp đồng. Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án này là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở”.

Đến ngày 26/10/2021, Tòa án Phú Nhuận thông báo đã nhận thụ lý vụ án của nguyên đơn là bà Trần Thi Nhung.

Ngày 23/06/2022 Tòa án Phú Nhuận ra thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng và ngày 07/07/2022 Tòa án Phú Nhuận ra biên nhận đã tạm ứng 10 triệu đồng.

Thế nhưng, ngày 29/8/2022, một lần nữa Tòa án Phú Nhuận lại ra quyết định chuyển hồ sơ đến Tòa án Thống Nhất với nội dung: “Xét thấy quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất. Theo quy định điểm c, khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án có bất động sản có thẩm quyền giải quyết””.

Như vậy, từ lúc khởi kiện đến nay, sau nhiều chuyển đơn giữa Tòa án Phú Nhuận và Tòa An Thống Nhất thì vụ việc vẫn chưa có hồi kết?

Gần đây nhất, bà Trần Thị Nhung đã gọi điện cho PV để chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại của mình: “Thật sự thì cô rất buồn khi ở tuổi gần đất xa trời này mà vẫn dính phải cú lừa ngoạn mục của các nhân viên môi giới Công ty Vạn An Phát. Hiện tại cô đang ở ngoài Bắc (tức TP. Nam Định) do vợ chồng con trai cô đã xong thủ tục ly hôn. Anh con trai thì ra thuê phòng trọ ở riêng, còn cô con dâu thì ôm 2 đứa nhỏ (con gái lớn 5 tuổi, con trai nhỏ 3 tuổi) về bên nhà mẹ ruột. Cô đã nhiều lần nhờ bạn cô là luật sư để khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, Tòa Phú Nhuận và Tòa Thống Nhất cứ chuyển đơn qua lại miết như vậy? Không biết khi nào cô lấy lại được tiền để bù đắp lại những sai lầm mà cô đã gây ra!.”

 

Huy Quang

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-dinh-con-trai-ly-tan-vi-me-trot-mua-dat-cua-cong-ty-van-an-phat-a136317.html