Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự tăng trưởng

Sau hơn 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự tăng trưởng, đặc biệt trong tháng 10. Giá trị giao dịch bình quân phiên của tháng 10 gấp gần 2,6 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên của tháng 9.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 10, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm điểm do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, áp lực gia tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền trong lưu thông. Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trong các phiên gần đây.

Tính đến ngày 27/10, VN-Index đạt 1.060,62 điểm, giảm 8,2% so với cuối tháng trước nhưng vẫn tăng 5,3% so với cuối năm 2022. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.559 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2022.

Hiện có 741 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và 7,8 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Giá trị giao dịch tháng 10 bình quân đạt 17,2 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 31,9% so với bình quân tháng trước; bình quân 10 tháng đạt khoảng 17,3 nghìn tỷ đồng, giảm 14,1% so với bình quân năm 2022.

Sau hơn 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự tăng trưởng.

Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này. Cùng với đó, trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam để bảo đảm các điều kiện thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bộ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, thao túng giá nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đến nay, đã ban hành 338 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt 30 tỷ đồng.

Về thị trường trái phiếu, theo Bộ Tài chính, hiện thị trường có 447 mã trái phiếu niêm yết (cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ). Quy mô giao dịch bình quân tháng 10 đạt 5,2 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 30% so với tháng trước; bình quân 10 tháng đạt 5,88 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 23,4% so với bình quân năm 2022.

Tính đến ngày 20/10, có 69 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 171,6 nghìn tỷ đồng (giảm 47,6% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, doanh nghiệp tổ chức tín dụng chiếm 44% (76,1 nghìn tỷ đồng) và bất động sản chiếm 43% (74,5 nghìn tỷ đồng).

48% trái phiếu phát hành có tài sản bảo đảm; khối lượng mua lại trước hạn là 184,7 nghìn tỷ đồng (gấp 1,29 lần so với cùng kỳ năm 2022). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (95,6%), nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 4,33%. Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 5/3/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 170,7 nghìn tỷ đồng.

“Sau hơn 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự tăng trưởng, đặc biệt là trong tháng 10. Giá trị giao dịch bình quân phiên của tháng 10 gấp gần 2,6 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên của tháng 9 và gấp hơn 2 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên của cả 3 tháng”, Bộ Tài chính cho biết.

Ngân Hà

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-da-co-su-tang-truong-a137097.html