Cập nhật diễn biến Tung gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, EU muốn 'vá lỗ hổng' hay thay chiến lược mới?
Trong đó, diễn biến khá bất ngờ với vàng nhẫn, sau nhiều năm ở mức ngang với giá vàng thế giới, tăng mạnh và đắt hơn gần 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi, lên mức mức cao kỷ lục 60,2-60,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn, giá vàng 9999 tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên hôm qua.
Giá vàng SJC tăng khoảng 50.000 đồng/lượng đến 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, đưa giá giao dịch vàng miếng SJC lên trên 71 triệu đồng/lượng.
Cập nhật giá vàng trong nước tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 21/11:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 70,52 – 71,22 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết tại mức cao kỷ lục 60,2-60,3 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 70,50 – 71,20 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 70,50 – 71,20 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 70,50 – 71,20 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 70,30 – 71,15 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 59,98 – 60,98 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 59,55 – 60,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 22/11/2023: Giá vàng thế giới đi lên, vàng nhẫn tăng bất ngờ, SJC chạm kỷ lục mới; cảnh báo về một cuộc khủng hoảng ngân hàng. (Nguồn: Getty Images) |
Giá vàng thế giới tiếp tục xu hướng đi lên dù đồng USD đã ổn định trở lại, xuống dưới mức 103,6 điểm. Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm nhanh xuống mức 3%/năm.
Ghi nhận của TG&VN vào 21h15 ngày 21/11, giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn Kitco tại 1.998,30 USD tăng 20,7 USD so với chốt phiên giao dịch liền trước.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất từ ngân hàng trung ương Mỹ để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ. Với những số liệu kinh tế mới nhất, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 12 và lâu hơn nữa.
Giới chuyên gia nhiều người vẫn lạc quan dự báo, thị trường vàng vẫn tích cực, khi nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn ở mức cao, trong khi, bất ổn địa chính trị vẫn khó lường, thị trường tài chính nhiều biến động bất ngờ. Đó là lý do, dự báo giá vàng về dài hạn sẽ trở lại mức 2.000 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí dự báo vàng sẽ bứt phá lên 3.000 USD/ounce trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vàng được dự báo không biến động nhiều, khi tuần này thị trường sẽ đóng cửa nghỉ lễ Tạ Ơn vào thứ Năm.
Một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới vào tháng 3/2024?
Trong khi nhiều nhà phân tích đã hạ cấp kịch bản khủng hoảng ngân hàng, chuyên gia kinh tế vĩ mô George Gammon và cũng là một nhà đầu tư hàng đầu lại đưa ra cảnh báo rằng, ngành ngân hàng có thể sụp đổ ngay trong tháng 3 năm sau.
Lý do cho mối quan tâm của ông là chương trình thanh khoản khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang, được gọi là Chương trình tài trợ kỳ hạn ngân hàng (BTFP). Đây là một sáng kiến hỗ trợ tài chính do Fed đưa ra nhằm đối phó với căng thẳng của hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào hồi tháng 3.
Mục tiêu chính của BTFP là hỗ trợ sự ổn định của hệ thống ngân hàng và đảm bảo các ngân hàng có đủ thanh khoản.
Tuy nhiên, vấn đề là mức độ sử dụng của chương trình này. Kể từ tháng 3, Fed đã chuyển từ cho vay 60 tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD. “Mọi người đều nghĩ rằng chúng ta đã qua [cuộc khủng hoảng ngân hàng],” Chuyên gia Gammon nói bên lề Hội nghị Đầu tư New Orleans. "Tuy nhiên, việc sử dụng BTFP ngày nay gần như gấp đôi so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng 3/2023".
Nếu chương trình của Fed được các ngân hàng sử dụng nhiều hơn trong tháng 11 so với tháng 3, tức là hệ thống hiện nay đang có nhiều rủi ro hơn trước, chuyên gia George Gammon đánh giá. Điều này cũng được Cơ quan xếp hạng Fitch cảnh báo rằng, "những thách thức sẽ tiếp tục xảy ra vào năm 2024".
Theo báo cáo mới nhất của Fitch, các ngân hàng khu vực có quy mô nhỏ hơn hoặc tập trung nhiều vào tăng trưởng cho vay thương mại dự kiến sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn trong năm tới. Điều khiến mọi thứ trở nên bấp bênh hơn là ngày hết hạn của chương trình BTFP là 11/3 - Điều gì xảy khi không chắc chắn Fed sẽ chọn gia hạn chương trình hay không.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phải đối mặt với tình thế khó xử về việc có nên gia hạn chương trình này vào tháng 3 hay không. "Chủ tịch Powell đang cố gắng giảm tính thanh khoản trên thị trường để giảm lạm phát. Điều gì sẽ xảy ra với tỷ lệ lạm phát nếu bạn để những ngân hàng đó phá sản? Chúng ta sẽ thấy tình trạng giảm phát. Chúng ta sẽ thấy một kịch bản kiểu những năm 1930. Tôi không nói điều này là điều anh ấy muốn làm hoặc sẽ làm, nhưng tôi muốn nói rằng, đây là điều mà mọi người cần phải suy nghĩ rất kỹ", chuyên gia kinh tế vĩ mô Gammon chỉ rõ vấn đề.
Minh Anh