Ảnh minh họa
Trong những năm trở lại đây, Chính phủ đặt ra quyết tâm rất cao trong việc xây dựng nền kinh tế số, trong đó nhiệm vụ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là rất quan trọng. Mobile Money được kỳ vọng sẽ góp phần lớn trong mục tiêu này.
Trong phát biểu về thúc đẩy chính phủ điện tử gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý rằng, một điểm rất quan trọng là phải thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động. Trong khi đó, Bộ TT&TT cho biết, chậm nhất đến tháng 6/2020 sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money. Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép cung cấp dịch vụ này.
Trong nhận định mới đây về Mobile Money, nhóm phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng dịch vụ này sẽ có tạo nên thay đổi lớn tới các nhà mạng viễn thông và nền kinh tế. Việc triển khai Mobile Money ngoài tăng được tỷ lệ phi tiền mặt, còn phục vụ mục đích chung khi chuyển sang nền kinh tế số.
Vì sao Mobile Money sẽ là một thay đổi lớn?
Cụ thể, Mobile Money được hiểu là phương tiện trao đổi, thanh toán và lưu trữ tiền kỹ thuật số, được cung cấp bởi một nhà điều hành mạng di động hoặc một bên hợp tác với nhà mạng. Người dùng Mobile Money không cần tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch. Đối tượng chính của Mobile Money là những người sống ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Điều kiện của Việt Nam cũng phù hợp với Mobile Money khi tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ ở mức 30% và khó bứt phá.
Theo BSC, những năm gần đây, giao dịch trên Mobile Money trên thế giới tiếp tục tăng mạnh khi giá trị giao dịch và số lượng tài khoản Mobile Money đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 20%/năm trong 6 năm gần nhất.
Các thị trường tại nước châu Phi – những nước kém phát triển sử dụng Mobile Money nhiều nhất. Trong khi đó, các thị trường thuộc châu Âu – những nước phát triển nhất lại có tỷ lệ sử dụng Mobile Money rất thấp.
BSC cho rằng, Mobile Money thành công hơn tại các nước kém phát triển vì việc chuyển tiền, thanh toán thực hiện qua di động, do đó khách hàng chủ yếu là những cá nhân chưa có tài khoản ngân hàng. Giá trị thanh toán qua Mobile Money thường là nhỏ và siêu nhỏ, nên việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một bộ phận lớn GDP "ngầm" đang giao dịch bằng tiền mặt. Mobile Money cũng có thể hạn chế các rủi ro dùng tiền mặt như mất cắp, tiền giả, đặc biệt tại những nơi an ninh xã hội không được đảm bảo.
BSC cho rằng, đối tượng sử dụng Mobile Money sẽ rất rộng lớn. Chẳng hạn, người dân không cần phải sử dụng Smartphone, chỉ cần sử dụng điện thoại "cục gạch" vẫn có thể triển khai được Mobile Money.
Các dịch vụ của Mobile Money sẽ có những gì?
Nhìn chung, các dịch vụ của Mobile Money sẽ không khác nhiều so với ví điện tử, chỉ khác ở điểm Mobile Money không cần tài khoản ngân hàng.
Trong giai đoạn đầu phát triển, công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money thường tập trung vào 1-2 dịch vụ chính như việc chuyển tiền, thanh toán dịch vụ,...
Trong giai đoạn phát triển sau này, các nhà cung cấp dịch vụ có thể mở rộng hệ sinh thái với các sản phẩm như bảo hiểm, gửi tiết kiệm, tín dụng. Đối tác của Mobile Money để triển khai những sản phẩm mở rộng này là công ty bảo hiểm, ngân hàng, định chế vi mô tài chính,…
Đối với sản phẩm tín dụng, BSC cho rằng, khi được giải ngân qua Mobile Money sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống. Tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức thấp, chẳng hạn tỷ lệ nợ xấu các khoản cho vay qua Mobile Money tại Kenya chỉ ở mức 2%-3%.
Nhà mạng cũng có khả năng đánh giá rủi ro khoản vay thông qua thói quen nạp tiền điện thoại, dữ liệu di chuyển, nhu cầu gọi điện và tin nhắn cũng như tần suất kết nối xã hội (qua gọi điện),...
Mobile Money được triển khai, nhà mạng và ngân hàng sẽ phát triển song song
Nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ có doanh thu trực tiếp từ phí giao dịch của người dùng. Thông thường, nguồn thu này chỉ đạt giá trị lớn khi sản phẩm đạt đến một quy mô nhất định. Đối với các nhà mạng ở Việt Nam, nhóm phân tích của BSC kỳ vọng tỷ trọng đóng góp doanh thu của Mobile Money sẽ chỉ khoảng 1-5%.
Theo McKinsey, điểm hòa vốn cho dịch vụ này cần giá trị giao dịch hàng năm đạt 2-3 tỷ USD, tương đương với doanh thu toàn hệ thống khoảng 20-30 triệu USD. Thời điểm hòa vốn có thể quanh 36 tháng kể từ ngày ra mắt dịch vụ. Chi phí đầu tư ban đầu của Mobile Money khá thấp nhưng chi phí vận hành như đại lý, marketing, lương nhân viên chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong năm 2015, 10 nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money hàng đầu phải trả trung bình 54% doanh thu cho phí hoa hồng đại lý.
Đánh giá tác động của Mobile Money tới vị thế của các ngân hàng, BSC cho rằng "vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa ngân hàng sẽ bé đi". Nhà mạng và các ngân hàng sẽ phát triển song song. Đối tượng của Mobile Money sẽ tập trung ở những người không có tài khoản ngân hàng, là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.
Thậm chí, Mobile Money còn có thể nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính cho người dân, từ đó hướng người dân sử dụng các sản phẩm tài chính nâng cao. Nhóm phân tích của BSC cho rằng, các sản phẩm nâng cao của Mobile Money sẽ vẫn phải liên kết với ngân hàng.
Theo Trí thức trẻ
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/su-xuat-hien-cua-mobile-money-se-anh-huong-the-nao-toi-vi-the-cua-cac-ngan-hang-a1423.html