Lý lịch tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam vô cùng phức tạp!

Đây là nhận định của bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc HSBC Việt Nam chi nhánh Hà Nội về việc doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, khó có được sự đồng hành dài hạn, khiến cho quá trình vay trở nên phức tạp.

Tại tọa đàm “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi”, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, chính vì vậy, lý lịch tín dụng của họ vô cùng phức tạp. Nhưng muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn. Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến thẩm định dự án, lại phát hiện ra doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp.

Liên quan đến dịch Covid-19, các ngân hàng cũng đã kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một số điểm trong Nghị định 01 về giãn nợ. Ngân hàng Nhà nước chốt ngày là 23/1/2020, mà trong khi đó thực tế phải đến hiện tại hoặc vài tháng nữa, doanh nghiệp mới thực sự bộc lộ tác động nặng nề.

Theo bà Tuệ Anh, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã có chương trình giảm phí giảm lãi cho ngân hàng, tuy nhiên cũng cần đến sự thông cảm của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đầu tư về công nghệ, quản lý và thanh toán. Khi làm việc cùng với doanh nghiệp, HSBC nhận thấy rằng nếu doanh nghiệp làm tốt những việc này, doanh nghiệp sẽ bớt nhu cầu phải vay vốn.

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp kêu khó tiếp cận tín dụng từ ngân hàng không phải mới xảy ra trong thời Covid-19, mà đã là câu chuyện được nhắc đến nhiều năm nay.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Vấn đề DNVVN khó tiếp cận tín dung không phải là mới, chúng tôi cũng đã tìm hiểu khá nhiều về vấn đề này".

Theo ông Tú Anh, về bản chất, hệ thống BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam có độ tin cậy thấp nên khó có thể thuyết phục ngân hàng, nhưng một điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cải thiện.

"Về ảnh hưởng của Covid-19, tôi rất đồng ý là chính sách của chúng ta trong thời gian qua đã phản ứng rất nhanh, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là chúng ta muốn nhanh nhưng hệ thống pháp luật cũng không thể bỏ qua", ông nói.

Ông Tú Anh nêu một ý kiến đáng chú ý: "Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu, vấn đề của doanh nghiệp là thiếu thị trường, cầu thấp quá, nên việc hạ lãi suất hay việc đẩy tín dụng ra, cái nào quan trọng hơn?

Lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3 quanh ngưỡng 3,8%, đến hiện nay chỉ hơn 1%, trên 100 nghìn tỷ đồng đã được đưa ra thị trường qua tín phiếu, điều đó chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay chứ, nhưng quan trọng là họ phải thu lại được tiền".

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành gợi mở nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp, mà không nhất thiết phải vay từ ngân hàng.

Ông Thành kể, ông từng đọc một cuốn sách có tên "Nguồn vốn vô hạn" do một doanh nhân viết. Và, nếu nói về nguồn tiền vô hạn thì chắc chắn tiền đó không phải vốn ngân hàng mà là vốn từ cổ phần hóa, đó chính là cách huy động vốn lớn nhất.

"DNVVN đứng trước lựa chọn hoặc là duy trì theo kiểu doanh nghiệp gia đình hoặc là cổ phần hóa để mở ra một bầu trời huy động vốn vô tận. Chính thị trường vốn sẽ giúp giải quyết bài toán huy động vốn dài hạn, không phải ngẫu nhiên mà NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng. Vốn dài hạn phải là từ trái phiếu, là vốn cổ phần", ông Thành nói.

 

Thu Thủy

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ly-lich-tin-dung-cua-doanh-nghiep-viet-nam-vo-cung-phuc-tap-a1433.html