Tp.HCM: Người thất nghiệp nhiều, nhưng doanh nghiệp khó tuyển lao động

Dù người thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp tại các sàn giao dịch việc làm ở Tp.HCM vẫn không tuyển được lao động vì chưa vội kiếm việc để nhận tiền trợ cấp.

Doanh nghiệp ngóng người lao động

Đầu tháng 1/2024, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Tp.HCM cho biết, đơn vị này đã phối hợp 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức sàn việc làm liên kết vùng, vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Các đơn vị đã phối hợp mời nhiều người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, các doanh nghiệp đơn vị cung cấp nguồn nhân lực… tham dự, thậm chí trang bị một phòng máy tính để kết nối trực tuyến người lao động và các doanh nghiệp. Nhưng số lượng người thất nghiệp đến tìm việc trực tiếp hoặc tham gia ứng tuyển từ xa rất ít.

Nhiều đơn vị doanh nghiệp chủ động tiếp cận các ứng viên nhưng đều nhận câu trả lời là chỉ đến nhận tiền bảo hiểm chứ chưa có nhu cầu tìm việc.

Dân sinh - Tp.HCM: Người thất nghiệp nhiều, nhưng doanh nghiệp khó tuyển lao động

Tp.HCM đang đẩy mạnh kết nối giao dịch việc làm.

Trong khi công nhân thất nghiệp chưa muốn tiếp nhận một công việc mới lâu dài, thì doanh nghiệp lại đang cần người lao động. Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex, huyện Bình Chánh, TP.HCM thường xuyên tuyển các vị trí chuyên môn và đang cần tuyển hàng trăm lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, công ty cũng không dễ dàng trong việc tuyển dụng người lao động.

Bà Lê Thị Kim Liên, đại diện bộ phận nhân sự Công ty CP Cholimex chia sẻ: “Hiện nay, ở các khu công nghiệp ở địa phương cũng nhiều nên người lao động chuộng xu hướng là làm việc gần nhà để đỡ tốn những chi phí khi ở thành phố. Cho nên nhu cầu mà họ chuyển hướng về quê để làm việc khá cao. Bên cạnh đó, ngành nghề mà họ chọn thì cũng đơn giản hơn, ví dụ như là may mặc hoặc giày da, điện tử”.

Trước đó, tháng 5/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM thực hiện khảo sát 2.429 người trong tổng số lao động bị cắt giảm thì có hơn 50% muốn trở về quê, gần 33% không có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề, khoảng 4% có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm, 12% có nhu cầu tìm việc làm...

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tp.HCM, người nhận trợ cấp thất nghiệp chưa quay lại làm việc có nhiều lý do và điều này cũng là thách thức đối với công tác kết nối việc làm tại TP.HCM. Để cung- cầu gặp nhau, trước các phiên/sàn giao dịch việc làm, Trung tâm triển khai nhiều hoạt động quảng bá.

“Thứ nhất là thông báo về các phòng lao động thương binh và xã hội các quận huyện. Thứ 2 là đối tượng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp muốn tìm việc, nhóm thứ 3 là các em sinh viên tốt nghiệp ở các trường cao đẳng nghề”, bà Thục cho biết.

Đẩy mạnh kết nối việc làm

Phân tích về tình hình, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng phòng Lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM chỉ ra, do kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc, nhưng có một thực tế, hiện nay một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lại không tuyển được công nhân.

Điều này, theo bà Hà là do người lao động hiện nay có nhiều hình thức lựa chọn để tìm kiếm việc làm như thông qua các đơn vị có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm công lập, hoặc qua mối quan hệ cá nhân. Do đó, một số người lao động không cho việc tìm kiếm việc làm tại các sàn giao dịch việc làm là lựa chọn duy nhất đối với họ.

Một số người lao động đã từng làm việc tại các doanh nghiệp và nghỉ việc, khi tham gia tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm, các mức lương, thu nhập của các đơn vị tuyển dụng chưa hấp dẫn người lao động nên có tình trạng doanh nghiệp không thu hút được lao động.

Ngoài ra, nhiều người lao động chưa nhận thức rõ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nên vẫn xem tiền trợ cấp thất nghiệp như là một khoản thu nhập trong thời gian ngắn, bên cạnh việc tìm kiếm thêm việc làm ở khu vực không có quan hệ lao động.

Trước thực tế đó, bà Hà cho biết trong thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Tp.HCM nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, sàng lọc thông tin theo nhóm ngành nghề, thu nhập để người lao động có sự so sánh và lựa chọn, việc tư vấn giới thiệu việc làm sẽ được thực hiện thường xuyên, thay vì chỉ thông qua các sàn giao dịch việc làm.

Đối với người lao động, để nâng cao giá trị nghề nghiệp, người lao động cần chủ động trong việc nâng cao tay nghề thông qua tham gia các khóa hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp; lựa chọn công việc phù hợp trong khu vực có quan hệ lao động để có việc làm ổn định, với đầy đủ các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp).

Báo cáo tổng kết năm 2023 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM thể hiện, tuy số người thất nghiệp tăng so với năm 2022 nhưng tỷ lệ thất nghiệp đô thị năm 2023 lại đạt 3,9%, thấp hơn con số 3,97% trong năm 2022. Có được kết quả này là do trong năm 2023, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho gần 315.800 lượt người, trong đó tạo việc làm mới là gần 141.500 lượt lao động.

Công tác kết nối cung cầu lao động hiệu quả đã tạo nên sự ổn định của thị trường lao động, giúp người lao động cần việc và doanh nghiệp cần người nhanh chóng gặp nhau. Trong năm 2023, các cơ quan dịch vụ việc làm đã tổ chức 139 phiên, sàn giao dịch việc làm. Từ đó, tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 170.300 lượt người.

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tphcm-nguoi-that-nghiep-nhieu-nhung-doanh-nghiep-kho-tuyen-lao-dong-a145573.html