Những hành vi, vụ án, vụ việc, đại án bị phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy, tham nhũng, tiêu cực không chỉ len lỏi vào nhiều lĩnh vực, không chỉ trong các lĩnh vực nhiều cám dỗ như y tế, đất đai mà còn bị phát hiện ở nhiều bộ, ngành, ngay cả trong công tác cán bộ, cũng như ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vì vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước không đủ làm nên hiệu quả mà rất cần có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Người dân, doanh nghiệp không chỉ là người phát hiện, giám sát cán bộ, công chức mà ở một khía cạnh nào đó họ còn có thể là tác nhân gây nên tình trạng tham nhũng nếu sẵn sàng đưa hối lộ để được việc cho mình, nếu không tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, không tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng.
Trong các cuộc họp về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân trong công tác này. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của người dân. Cụ thể đó là những cơ chế, chính sách gì, thưa ông?
Ông Đinh Văn Minh: Nói về các thiết chế để người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì có 2 khía cạnh rất quan trọng. Một là làm sao để nâng cao nhận thức của người dân, có nghĩa người dân biết thế nào là tham nhũng, biết tác hại của tham nhũng, cũng như có ý thức tham gia vào cuộc đấu tranh này.
Thứ hai là phát huy vai trò của người dân bằng các cơ chế, chính sách để họ tham gia một cách tốt nhất. Ví dụ như trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư phản ánh, tố cáo, kiến nghị của người dân.
Một trong những điều quan trọng để chống tham nhũng là làm sao để người dân không đưa hối lộ. Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã có nhiều biện pháp, như các quy định trong ngành công an, hay lĩnh vực y tế “nói không” với phong bì... Một mặt là kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức, mặt khác cũng phải nói cho người dân hiểu rằng họ cần ứng xử như thế nào trong hoạt động của cơ quan công quyền, đồng thời chúng ta phải cải cách thủ tục hành chính.
Về biện pháp đã có nhiều, kể cả quy định ở tầm Nghị định, hay quy định cụ thể của Bộ, ngành, đề án cụ thể về các cải cách thủ tục hành chính... Đối với người dân, chủ yếu là các giải pháp làm sao nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của họ trong việc phòng ngừa tham nhũng. Điều này Chính phủ đã làm được rất nhiều và trên thực tế, hiệu quả cũng rất tốt.
Thực tế là nhiều người vẫn còn e dè tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng vì họ sợ bị trù dập hay đe dọa, bị hành hung. Theo ông, Chính phủ cần có biện pháp gì để bảo vệ cũng như khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng?
Ông Đinh Văn Minh: Để người dân tham gia một cách tốt nhất với cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có tham nhũng thì phải tạo ra thiết chế tốt để người dân thực hiện tốt quyền tố cáo của mình, trong đó liên quan đến vấn đề giữ bí mật cho người tố cáo, bảo vệ người tố cáo, đặc biệt là vấn đề khen thưởng người tố cáo phải được đề cập.
Hành vi tham nhũng được phát hiện từ hai phía, gồm cơ quan Nhà nước và người dân. Thực tế, nhiều vụ tham nhũng được phát hiện nhờ nhân dân. Ông đánh giá thế nào về việc phát hiện của người dân đối với các hành vi tham nhũng?
Ông Đinh Văn Minh: Người dân hơn ai hết là người hàng ngày, hàng giờ có mối quan hệ với cơ quan công quyền, qua những hành vi, hay biểu hiện của tham nhũng, người dân và doanh nghiệp sẽ biết ngay.
Hơn nữa, việc người dân giám sát cán bộ, đảng viên từ nơi ăn, chốn ở, từ các biểu hiện không bình thường hay biểu hiện giàu lên một cách nhanh chóng hay sự sa đọa về mặt phẩm chất đạo đức, người dân nắm được ngay, từ đó phản ánh qua các kênh.
Tuy nhiên, sự tố cáo của người dân là những thông tin sơ khai ban đầu nhưng nhiều khi hết sức quý giá.
Xin cảm ơn ông!
Theo VOV.vn.
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nguoi-dan-doanh-nghiep-co-the-la-tac-nhan-cua-tham-nhung-neu-san-sang-dua-hoi-lo-a148668.html