Cả nước hiện có khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động. Đây là mô hình thu hút thành viên lớn nhất so với các mô hình khác, gồm: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trung bình mỗi quỹ tín dụng Nhân dân có 1.267 thành viên.
Mới đây, đơn vị bà Nguyễn Thị Thủy (Thái Nguyên) có kế hoạch thành lập quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Bà Thủy hỏi, theo quy định, vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cần tối thiểu là bao nhiêu? Sau khi quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động, để tiến hành khai trương hoạt động thì quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bắt buộc phải có những điều kiện cụ thể như thế nào?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết:
Theo Khoản 8, Khoản 9 Điều 2 Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mức vốn pháp định đối với quỹ tín dụng nhân dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2020 như sau:
"8. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng.
9. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng".
Khoản 2 Điều 26 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về điều kiện khai trương hoạt động như sau:
"2. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã đăng ký Điều lệ tại Ngân hàng Nhà nước;
b) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có đủ vốn điều lệ, vốn được cấp, có kho tiền đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, có trụ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn tài sản và phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;
c) Có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động;
đ) Có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy chế nội bộ về quản lý rủi ro; quy chế về quản lý mạng lưới;
e) Vốn điều lệ, vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong tỏa không hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ, vốn được cấp được giải tỏa khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;
g) Đã công bố thông tin hoạt động theo quy định tại Điều 25 của Luật này".
Khoản 4 Điều 15 Văn bản hợp nhất số 44/VBHN-NHNN ngày 5/12/2019 quy định về quỹ tín dụng nhân dân quy định điều kiện khai trương hoạt động quỹ tín dụng nhân dân như sau:
"4. Điều kiện khai trương hoạt động:
Quỹ tín dụng nhân dân được cấp giấy phép chỉ được khai trương hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; có đủ vốn điều lệ được gửi vào tài khoản phong tỏa không hưởng lãi tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động, vốn điều lệ được chấm dứt phong tỏa khi quỹ tín dụng nhân dân đã khai trương hoạt động;
b) Có trụ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn tài sản và phù hợp với yêu cầu hoạt động;
c) Đã công bố thông tin theo quy định tại Khoản 3 Điều này;
d) Có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro phù hợp với nội dung, phạm vi hoạt động;
đ) Có các quy định nội bộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát quỹ tín dụng nhân dân".
P.V
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/muon-lap-quy-tin-dung-nhan-dan-can-dieu-kien-gi-va-bao-nhieu-von-a15097.html