Đời người như con thuyền
Kể từ ngày loạt bài “Huyền thoại Bạch Đằng giang” đăng tải trên báo Tiền Phong được bạn đọc hồ hởi đón nhận, 5 năm nay chúng tôi mới gặp lại ông Chắn, một nghệ nhân đóng thuyền buồm nổi tiếng đất đảo Hà Nam (Hà Nam, Phong Cốc, Quảng Yên, Quảng Ninh).
Trong buổi chiều đông ngày cuối năm, anh em chúng tôi chở theo một cành đào về thăm ông Lê Đức Chắn, nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ được bí quyết đóng thuyền buồm đi ngược gió ở Việt Nam. Ở tuổi gần 80, đôi mắt ông vẫn tinh anh với làn da rám nắng cùng đôi tay chắc nịch bắt tay từng đứa chúng tôi trước khi ngồi vào bàn trà.
Ông Chắn trong một buổi biểu diễn tàu đi ngược gió trên sông Chanh. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp. |
Với lối dẫn chuyện dí dỏm của ngư dân đảo Hà Nam, ông hỏi: “Chúng bay lấy vợ chưa mà sao không thấy đứa nào mời ông?”, cả bọn phân bua vì ông tuổi cao, vì đường xa này nọ... nên hôm nay chúng cháu mới về đây thăm và báo hỉ với ông.
“Nhiều lần tận mắt chứng kiến khả năng di chuyển ngược sóng, ngược gió của thuyền ba vách, buồm cánh dơi, các chuyên gia hàng hải quốc tế đã thừa nhận các nước từ Âu sang Á đều có thuyền buồm, nhưng loại buồm đi ngược gió như ở Quảng Yên là độc nhất vô nhị”.
Ông Chắn xua tay: “Ở cái đất Quảng Ninh chẳng nơi nào là không đi thuyền đến được. Cả một chiều dài lịch sử mấy nghìn năm đều gắn liền với hình ảnh con thuyền buồm. Cư dân Giang Võng, Trúc Võng đều nhờ thuyền buồm mà tạo nên Quảng Ninh ngày nay, hà cớ chi chúng bay không mời ông một tiếng?”, ông nhoẻn miệng cười.
Nói xong ông đi vội vào nhà mang ra một chiếc thuyền buồm mini do chính tay ông đóng với nhã ý tặng chúng tôi về làm kỷ niệm. Cầm con thuyền nhỏ trên tay ông đăm chiêu: “Càng yêu thuyền, gắn bó với nghề, ông càng tự hào về những con thuyền ba vách độc nhất vô nhị. Sự đặc biệt không nằm ở tuổi đời lịch sử mà là công năng của những chiếc thuyền ba vách chính ở khả năng di chuyển ngược nước, ngược gió rất linh hoạt”.
Ở tuổi gần 80 nhưng ông vẫn đam mê với nghề đóng tàu gỗ đi ngược gió. Ảnh: Hoàng Dương. |
Đây là một trong những kiểu thuyền độc đáo nhất trong cả nước và trên thế giới. Không chỉ có hình thức đẹp, cân đối, vững chãi, linh hoạt trong di chuyển, thuyền ba vách còn là minh chứng lưu dấu chiến thắng của quân dân nhà Trần trong trận Bạch Đằng Giang lịch sử năm 1288. Chính những con thuyền này là cơ duyên hình thành nên Đoàn tàu Không số vận tải lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trao cho chúng tôi con thuyền nhỏ ông nói: “Đời người cũng như con thuyền, thuận buồm xuôi gió thì đi nhanh về nhanh, nhưng gặp con nước ngược, gặp cơn gió chướng vẫn phải cố gắng để vượt qua khó khăn. Điều cốt lõi là phải yêu nghề, phải quyết đoán và tự tin mới điều khiển con thuyền đi đúng hướng”.
“Đời người cũng như con thuyền, thuận buồm xuôi gió thì đi nhanh về nhanh, nhưng gặp con nước ngược, gặp cơn gió chướng vẫn phải cố gắng để vượt qua khó khăn. Điều cốt lõi là phải yêu nghề, phải quyết đoán và tự tin mới điều khiển con thuyền đi đúng hướng”.
Nghệ nhân Lê Đức Chắn
Yêu nghề như chính mạng sống
Ông Chắn kể rằng khi 17 cụ Tiên Công xuôi thuyền đến vùng cửa sông Bạch Đằng dừng thuyền, cắm sào làm nghề chài lưới, rồi sau đó, các cụ dùng thuyền chở đất đắp đê lấn biển. Ngoài đê, các cụ dùng thuyền đánh cá, vận tải, giao thương buôn bán, trong đê thì trồng lúa. Phương tiện đi lại vào đất liền hay về thăm cố hương Thăng Long là thuyền buồm gỗ. Đó là lý do nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ ở đảo Hà Nam thịnh hành.
Để phục vụ đời sống và công việc, tổ tiên của ông Chắn đã sáng tạo ra thuyền đánh cá, giao thương, đò ngang, đò dọc. Đặc điểm của những con thuyền mà ông Chắn còn giữ được là thon mà sóng phía trước tác dụng vào thuyền sẽ rẽ ra hai bên, vì vậy lực cản phía trước sẽ nhỏ đi, giúp thuyền đi nhanh hơn. Riêng thuyền đánh cá, ông Chắn còn đóng thon nhọn và nhẹ hơn nữa.
Ngay từ lúc lẫm chẫm biết đi, ông Chắn đã thích thú nhìn ông nội và cha đóng thuyền. Đồ chơi tuổi thơ của ông là búa và đục. Cho đến khi ông học hết lớp 5, ông nội và cha đã mang tất cả bí kíp của nghề truyền dạy cho. Gần trọn một đời gắn bó với nghề đóng tàu thuyền, nay ông đã truyền lại nghề cho cả bốn cậu con trai trong gia đình.
Hình ảnh chiếc thuyền buồm căng trong gió là biểu tượng của di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương. |
Mỗi khi nhận thêm học trò mới, bài học đầu tiên mà ông dạy thợ thuyền là phải “cháy” hết mình với nghề, yêu nghề như mạng sống của mình. Dù khó mấy, khổ mấy cũng phải giữ gìn ngọn lửa của tổ tiên để lại. Nhất là trong giai đoạn tàu vỏ sắt, tàu gỗ lớn đang dần chiếm thị phần thì nghề đóng tàu gỗ nhỏ như ông chắc chắn sẽ mai một và chỉ cần chểnh mảng thì cầm chắc mất nghề.
Ông hồi tưởng lại những ngày khó khăn nhất cuộc đời, ông cùng vợ con nhiều lần nhịn đói nhưng tay vẫn phải cầm búa, cầm đục ra bến đóng tàu. Nhiều đêm về ông không ngủ được vì thương vợ con phải chịu khổ. Đã có lần ông quyết định bỏ nghề nhưng oái oăm thay, ông không đóng tàu thì không thể làm được nghề gì khác. Đi buôn thì thua lỗ, đi làm thuê không ai mướn mà nuôi con gì cũng chết, trồng cây gì cũng không có năng suất...
Với quyết tâm giữ nghề truyền thống của tổ tiên, ông cùng 4 người con trai đã trải qua nhiều năm vật lộn, không ngại khó, ngại khổ để đến nay xưởng đóng tàu của gia đình ông thuộc hàng lớn nhất Quảng Yên, danh tiếng vang khắp vùng. Nhiều thương gia, nhà nghiên cứu nước ngoài đã tìm đến ông để được tận mắt chứng kiến con thuyền buồm ba vách đi ngược gió độc nhất vô nhị do chính tay ông đóng.
“Đến nay, thuyền buồm nói chung, thuyền buồm ba vách nói riêng đã gần như hết sứ mệnh lịch sử của mình, thay thế bằng những phương tiện hàng hải hiện đại. Thế nhưng, tôi vẫn luôn ước nhìn thấy những cánh thuyền buồm đỏ thắm thong dong trên vịnh Hạ Long, thay vì những chiếc thuyền máy vừa ồn ào mà lại gây ô nhiễm môi trường”, ông Chắn nói.
Ý tưởng thuyền buồm ba vách chạy ngược gió làm du lịch trên vịnh Hạ Long đã được ông Chắn nói đến từ lâu. Con thuyền vừa làm du lịch vừa có tác dụng giữ gìn giá trị văn hóa độc đáo của vịnh Hạ Long mà thời gian qua đã và đang dần mất đi. Hình tượng con thuyền ngược gió phục vụ du khách trên vịnh còn góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của nhóm du khách thích trải nghiệm, nhất là trải nghiệm những giá trị xưa cũ.
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nhung-canh-buom-nguoc-gio-a151259.html