Video:
Ghi nhận của phóng viên tại xã Tiền Yên và xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), nơi đây là vùng chuyên canh tác nhiều loại rau xanh như: bắp cải, su hào, cải ngồng,... cung cấp cho các đầu mối trong và ngoài thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay đã đến thời điểm thu hoạch song vẫn vắng bóng thương lái thu mua, mặt khác giá rau đang lao dốc quá rẻ khiến nhiều nông dân cũng chẳng buồn thu hoạch khiến rau quá lứa, ế hỏng đầy đồng.
Những luống rau cải bắp đã đến thời điểm thu hoạch nhưng người dân lại bỏ mặc không thu hoạch.
Những hộ nông dân nơi đây cũng đang đứng ngồi không yên bởi giá đang rẻ như cho mà vẫn không có người mua.
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thoa ( 54 tuổi, trú tại xã Song Phương) trong lúc đang cắt rau về ăn cho biết, bắt đầu từ tháng 12 không còn thấy chiếc xe ô tô nào đến thu mua cải bắp, su hào hay súp lơ nữa, cùng với đó là tình trạng dịch diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục được nghỉ học nên các nhà bếp cũng tạm dừng lấy rau.
"Hàng loạt súp lơ đã đến lúc thu hoạch mà không có người đến thu mua, mang ra chợ bán thì giá rẻ như cho vẫn không có người mua nên đành chặt bỏ để cho lợn. Sau khi dọn bỏ các loại rau này thì sẽ không gieo trồng các loại rau này nữa để nghe ngóng tình hình, chứ cứ rẻ thế này mà vẫn không có người mua thì trồng làm gì", cô Thoa than thở.
Theo đó, từ tháng 11 năm ngoái giá rau bắt đầu giảm mạnh. Trước đó, bắp cải có giá 10.000 đồng/kg rồi xuống dần chỉ còn 5.000 đồng/kg; su hào từ 15.000 đồng/kg giảm xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg (chỉ 2.000-3.000 đồng/củ). Đây là mức giá rẻ chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Những cây dưa chết khô trên ruộng.
Ông Thu ở xã Song Phương cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên rau phát triển nhanh, tươi tốt. Song, từ khi dịch bùng phát trở lại, sức mua giảm đáng kể. Hiện gia đình ông còn khoảng hơn 10.000 cây cải bắp, xu hào, dưa, đến lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa có người thu mua, rau còn đầy ngoài ruộng và đang chết dần.
Một người đến nhặt những cây súp lơ đã bị bỏ để mang về cho lợn ăn chia sẻ, trồng mấy tháng trời với bao nhiêu công chăm sóc cùng với tiền giống mà giờ bán rẻ như cho cũng không có người mua.
"Rau thì cứ xanh mượt mà đã đến lúc thu hoạch nhưng lại nằm la liệt ngoài ruộng, chết khô dần", người này xót xa.
“Trồng chăm bẵm mất 2 tháng, vất vả ngày đêm, giờ bán đi gọi là vớt vát lại vốn, được đồng nào hay đồng ấy”, chị Thanh ngán ngẩm.
Với mức giá như hiện nay, nếu dịch không hết sớm, hàng quán, trường học tiếp tục đóng cửa thì người nông dân lỗ nặng.
Nguyễn Hữu Thắng
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thoi-tiet-thuan-loi-nhung-hang-ngan-tan-rau-van-e-am-a15309.html