Tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại, bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ quanh mức 0,2%/năm.
Ngân hàng sở hữu tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây cũng là tiền đề giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Mặt khác, tỷ lệ CASA càng cao càng phản ánh giá trị nền tảng mà mỗi ngân hàng thiết lập được trong chiến lược ngân hàng bán lẻ, tạo tài nguyên bán chéo các sản phẩm dịch vụ thay vì chỉ chủ yếu dựa vào tín dụng như truyền thống.
Tỷ lệ này cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế.
Với những giá trị đó, những năm gần đây và hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA.
Theo đó, nhiều nhà băng đã chuyển hướng tập trung sang cho vay bán lẻ, liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền…
Đặc biệt, nhiều thành viên chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm, chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.
Tuy nhiên, trong cuộc đua đó, cũng có nhiều thành viên đang bị bỏ lại phía sau khi không thể thu hút được nguồn vốn giá rẻ này.
Khảo sát của BizLIVE tại 23 ngân hàng đã công bố BCTC quý IV/2020 cho thấy, có tới 6 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong năm qua.
SeABank là một ví dụ. Mặc dù lượng tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tới 18,3% trong năm qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại sụt giảm nhẹ, xuống còn hơn 11,7 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của SeABank theo đó giảm mạnh từ 12,4% hồi đầu năm xuống còn 10,4% kết thúc năm 2020, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp trong nhóm khảo sát.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại Kienlongbank đã giảm 9,8% trong năm qua, khiến CASA giảm xuống chỉ còn 3,3%, so với mức 4,6% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm VietBank giảm 1,2 điểm %, SaigonBank giảm 0,25 điểm %,…
Khảo sát cũng cho thấy, có tới 11/23 nhà băng sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%. Trong đó, BacABank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất khi chỉ 1,7% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn. Kienlongbank và VietBank lần lượt đứng thứ hai và ba với tỷ lệ CASA ở mức 3,3% và 3,8%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức khiêm tốn bao gồm Vietcapitalbank (5,1%), NamABank (6,3%) và SHB (9,7%).
Ở chiều ngược lại, bộ ba Techcombank, MB và Vietcombank vẫn đang là những thành viên có tỷ lệ CASA dẫn đầu hệ thống.
Hiện cả ba ngân hàng này đều có tỷ lệ CASA trên mức 30%, bỏ xa các nhà băng còn lại trong nhóm khảo sát.
Cụ thể, tỷ lệ CASA của Techcombank đang duy trì ở mức 46,1% vào cuối quý IV/2020, tăng mạnh so với mức 34,5% đạt được cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao trong nhóm và cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt được mức này.
Để đạt được điều này, Techcombank nhấn mạnh vào sự gắn kết khách hàng thông qua các giải pháp thanh toán và số hóa, bao gồm việc đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng phục vụ nhu cầu thanh toán hàng ngày và miễn phí giao dịch trực tuyến để thúc đẩy giao dịch, cũng như thiết lập một hệ sinh thái khách hàng cá nhân với các đối tác lớn.
Trong khi đó, MB (40,9%) và Vietcombank (32,8%) lại có được lợi thế lớn nhờ nguồn tiền gửi khổng lồ của các tập đoàn lớn, nắm trong tay hệ thống chi trả lương, thanh toán lương cho cán bộ, công chức trong nước.
MSB cũng là một trường hợp đáng chú ý khi có lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh trong năm qua với mức tăng lên tới 54,4%. Tỷ lệ CASA theo đó được kéo lên 29% khi kết thúc năm 2020, so với mức 20,3% cùng kỳ năm trước, đứng thứ tư trong nhóm khảo sát.
PGBank, TPBank và VPBank cũng là ba thành viên có tỷ lệ CASA tăng khá tốt trong kỳ qua với mức tăng lần lượt 3 điểm %, 2,9 điểm % và 2,3 điểm %.
Tuy nhiên, như trên, vẫn còn nhiều thành viên tỷ lệ này rất thấp. Điều này có thể nhìn về chiến lược và khẩu vị của họ chưa nhiều thay đổi theo xu hướng, vẫn chưa đẩy mạnh được bán lẻ hoặc vẫn lệ thuộc chủ yếu vào bán buôn; chính sách tín dụng có tính chất tập trung hơn mà không loại trừ ảnh hưởng của các cổ đông lớn nội bộ; năng lực và tốc độ dịch chuyển giữa các phân khúc, cũng như thu hút khách hàng trong phát triển dịch vụ còn hạn chế; hoặc có những vấn đề nội tại còn nặng yêu cầu xử lý trước khi có điều kiện tập trung hơn cho việc đầu tư để cạnh tranh tốt hơn ở chỉ tiêu này.
Theo Trần Thúy
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/vi-sao-nhieu-ngan-hang-van-hut-hoi-trong-cuoc-dua-casa-a15358.html