Cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế, các thương nhân cũng đang mua thêm gạo từ nông dân với kỳ vọng nhu cầu thu mua của các nhà nhập khẩu tăng. Giá lúa tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán các hợp đồng xuất khẩu.
6.200 - 7.000 đồng/kg được xem là mức giá lúa cao nhất trong vòng 10 năm nay trong vụ Đông Xuân tại ĐBSCL. Người nông dân phấn khởi vì lúa bán được giá cao tuy nhiên với các doanh nghiệp, câu hỏi đặt ra thời điểm này là nên ứng xử thế nào? Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay cũng chỉ bán lượng rất ít và chưa có giao dịch mạnh.
"Các loại lúa không phải là lúa thơm, trung bình đang là 7.000 đồng/kg. Nếu các doanh nghiệp bình thường rất khó xuất khẩu. Ngoài doanh nghiệp ra, người dân mua tạm trữ, tức mua để sau này bán thì đang mua rất nhiều", ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho hay.
Giá lúa tại ĐBSCL đang ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua. Ảnh: .
Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết: "Khi giá lúa tươi cao như vậy giá gạo thành phẩm rất cao. Với doanh nghiệp quy mô lớn, phải đảm bảo nguồn cung bởi gạo Đông Xuân là nền tảng để phục vụ xuất khẩu đến hết tận quý III. Tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cũng phải nhìn thị trường khi mình bán xuất khẩu thì thị trường nhập khẩu họ chấp nhận ở mức nào".
Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam 5% tấm đang ở mức 505 - 510 USD/tấn. Để cạnh tranh với gạo Ấn Độ hay Thái Lan, các doanh nghiệp nên tập trung vào phương thức mua bán - thu mua và chốt bán song song thay vì bán trước.
"Theo tôi cũng không nên quá đặt nặng vấn đề bán trước mà cũng nên cân nhắc kỹ trong mức độ kiểm soát được rủi ro cũng có thể thu mua và chốt bán song song. Thời điểm tháng 4 là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng nhiều, còn hiện nay chưa đoán định được bởi lúa chưa thu hoạch nhiều", ông Nguyễn Chánh Trung nói.
Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam 5% tấm đang ở mức 505 - 510 USD/tấn. Ảnh: .
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2021 giảm mạnh nguyên nhân một phần là vì nguồn cung hạn chế nhưng cũng một phần là từ sự cạnh tranh từ các thị trường khác.
Theo Mai Phương - Vũ Anh/VTV
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-lua-tang-cao-doanh-nghiep-xuat-khau-kho-dam-phan-hop-dong-a15610.html