Chân dung ông Lê Hải Trà: Từ tốt nghiệp Harvard đến người đứng đầu sàn HoSE

Mới đây một “status” đăng trên mạng xã hội Facebook của lãnh đạo cao nhất tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ông Lê Hải Trà đang khiến thị trường dậy sóng. Nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán đang đặt câu hỏi, tại sao một nhà lãnh đạo kỹ trị, được đào tạo bài bản tại nước ngoài, gắn bó lâu năm với nhiều kinh nghiệm trong ngành chứng khoán như ông Lê Hải Trà lại có thể có những phát ngôn xem thường nhà đầu tư như vậy? Vậy ông Lê Hải Trà là ai?

Những ngày gần đây, mỗi khi có lượng giao dịch lớn hệ thống giao dịch của HOSE lại nghẽn lệnh, nghẽn mạng.  Tưởng là sửa được, nghĩ là sẽ nhanh và mau ổn nhưng rồi đâu lại vào đấy! Mỗi lần đình đốn là nhà đầu tư lại tức giận và la ó khắp các diễn đàn.

Các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ có thu phí, thuế mà phí cao lại còn độc quyền nhưng tại sao hệ thống giao dịch nát như vậy không một lãnh đạo công ty chứng khoán nào lên tiếng vì quyền lợi nhà đầu tư.
Cho đến nay HOSE chưa 1 lời xin lỗi, một buổi họp báo giải thích rõ vì nguyên nhân nào!?

Thay vào đó tôi thấy trên trang cá nhân của ông Lê Hải Trà  – Người  phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đăng dòng status ” Anh bảo này, lúc chúng mày rùng mình có gọi anh không?!”

Chưa biết status này có liên quan gì đến những bức xúc của các nhà đầu tư trên mạng xã hội và các diễn đàn hay không, nhưng dòng trạng thái này đang thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ các nhà đầu tư.

Nhiều người ban đầu nghi ngờ đây là tin giả, hoặc Facebook nhái, không chính chủ hoặc tài khoản của Thành viên phụ trách HĐQT HOSE bị hack. Trong khi đó, ông Trà cũng chưa có phát ngôn chính thức về status trên. Trên trang cá nhân ông Trà không còn status này.

Hầu hết các ý kiến bình luận đều cho rằng, phát ngôn trên mạng xã hội, dùng từ ngữ như vậy không phù hợp với vị trí một lãnh đạo Sở Giao dịch.  Nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán đang đặt câu hỏi, tại sao một nhà lãnh đạo kỹ trị, được đào tạo bài bản tại nước ngoài, gắn bó lâu năm với nhiều kinh nghiệm trong ngành chứng khoán như ông Lê Hải Trà lại có thể có những phát ngôn xem thường nhà đầu tư như vậy?

Dưới đây là bài viết chân dung về ông Lê Hải Trà trên VietnamFinance

Giữa tháng 8/2017, ông Lê Hải Trà chính thức được bổ nhiệm giữ cương vị phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), thay cho ông Trần Văn Dũng rời ghế Chủ tịch HoSE để chuyển sang cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Sinh năm 1974, ông Lê Hải Trà gây ấn tượng với “bảng vàng” thành tích học tập và kinh nghiệm. Ông Trà có bằng Thạc sỹ Quản lý Công (MPA) với chuyên ngành kép Lãnh đạo và Phân tích thị trường tài chính từ đại học lừng danh Harvard Kennedy. Ông cũng từng nhận được học bổng Hubert H. Humphrey danh tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho chương trình tu nghiệp về Quản trị Chiến lược và Tài chính tại Đại học Boston năm 2003.

Về kinh nghiệm, ông Trà có hơn 20 năm gắn liền với sự ra đời, phát triển, trưởng thành của chứng khoán Việt Nam. Ông Trà từng làm việc tại một công ty kiểm toán nước ngoài trước khi về làm việc tại Vụ Phát triển Thị trường, UBCKNN năm 1997. Sau đó ông tham gia tổ công tác biệt phái và có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình chuẩn bị khai trương hoạt động của HoSE năm 2000.

Năm 2006, ông Trà giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm GDCK TP.HCM, sau đó một năm là Ủy viên thường trực HĐQT HoSE. Tháng 12/2011, ông giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Thường trực HoSE và gần 5 năm sau giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE, trước khi trở thành người đứng đầu HoSE vào tháng 8 năm nay.

Điểm gây ấn tượng đầu tiên ở ông Trà trong các cuộc trao đổi với báo giới là sự nhẹ nhàng, mạch lạc và đi thẳng vào vấn đề – bóng dáng một nhà lãnh đạo theo kiểu kỹ trị với chuyên môn sâu hiện lên rất rõ.

Tháng 6 vừa qua, ngay sau khi MSCI không đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng tiềm năng lên thị trường mới nổi, ông Lê Hải Trà đã phản bác lại 9 lý do mà MSCI đưa ra và cho rằng đòi hỏi của MSCI đối với thị trường Việt Nam “còn mang tính phiến diện và áp đặt”.

Hay như sự cố lộ thông tin “mật” được đánh giá là khá nghiêm trọng hồi năm 2010 khi trên thị trường xuất hiện một báo cáo có tiêu đề “Thông tin giao dịch của các tổ chức” – cập nhật chi tiết giao dịch tự doanh các công ty chứng khoán, ông Trà cũng đưa ra quan điểm rất thẳng thắn và mạch lạc, mặc dù có khả năng liên quan đến HoSE.

Ông Trà cho rằng, nguồn gốc các dữ liệu này chỉ có thể xuất phát từ ba địa chỉ. Một là sở giao dịch chứng khoán, cơ quan theo dõi và quản lý giao dịch của toàn thị trường; hai là trung tâm lưu ký, nơi nhận được kết quả giao dịch vào cuối ngày và ba là UBCKNN, cơ quan được cung cấp sổ lệnh.

Là một người trăn trở với thời cuộc, nhiều lần vị lãnh đạo HoSE này không ngần ngại đưa ra quan điểm mang tính cá nhân, dù vấn đề đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.

Như chuyện huy động vàng trong dân, trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, ông Trà cho rằng, cần tính đến việc tạo ra một công cụ tài chính, theo đó nhà đầu tư/đầu cơ không cần nắm vàng vật chất, nhưng có vị thế mua/bán theo giá vàng để hưởng lợi ích tài chính. Khi kênh đầu tư được thiết kế hiệu quả, người dân dễ dàng giao dịch sản phẩm tài chính được thiết kế trên vàng, sẽ gián tiếp cạnh tranh với cách tích trữ vàng vật chất trong dân chúng.

Vợ ông Trà từng chia sẻ, khi được hỏi vì sao không đi theo những lời mời làm việc, giảng dạy, phát triển tại Mỹ, Nhật, Hongkong, Singapore và các nước tân tiến khác – nơi chắc chắn sẽ có cuộc sống và thu nhập tốt hơn hẳn lựa chọn của ông gần 20 năm qua, hơn một lần ông Trà từng nói: “nếu những người trẻ có năng lực cứ bỏ Việt Nam đi hết thì đất nước bao giờ mới phát triển?”.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC từng đón nhận thông tin ông Trà trở thành người đứng đầu HoSE như là một “tin vui với chứng khoán Việt Nam”. Ông Quyết nhìn nhận, những gương mặt được đào tạo bài bản, gắn bó lâu năm với nhiều kinh nghiệm như ông Trà luôn là vốn quý cho thị trường dù trong giai đoạn phát triển nào.

Nhà kỹ trị, đặc biệt là kỹ trị về kinh tế là nhân tố cơ bản còn rất thiếu trong bộ máy quản lý kinh tế Việt Nam. Ngành chứng khoán vốn mang nhiều tính mới cả về khía cạnh kinh tế lẫn công nghệ, tính “phẳng” với mức độ hội nhập nước ngoài cao, càng cần những nhà lãnh đạo kỹ trị như ông Lê Hải Trà.

Ái Châu

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/chan-dung-ong-le-hai-tra-tu-tot-nghiep-harvard-den-nguoi-dung-dau-san-hose-a15632.html