Tham gia chương trình, các doanh nhân được nghe Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học và quản trị doanh nghiệp chia sẻ về tình hình kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, các dự báo kinh tế cho thấy xu hướng chững lại của nền kinh tế thế giới, sức tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu giảm, hàng tồn kho tăng so với thời gian trước. Bên cạnh đó những xung đột địa chính trị, các yếu tố về chính sách quản lý của những quốc gia lớn cũng sẽ có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc thận trọng của doanh nghiệp khi đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh là điều đang diễn ra trên thực tế. Khó khăn và sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp hiểu và tìm kiếm nguồn vốn bằng chiến lược thông minh hơn. Trong đó cần lưu ý đến việc chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng mà thị trường có đổ phủ rộng, ít chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế, địa chính trị. Đồng thời doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam với mức sống đang ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, hai tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng lại có tới 63 ngàn daonh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, mức độ khó khăn hơn và áp lực của doanh nghiệp không hề nhỏ. Theo đó, trong năm 2024, những khó khăn của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài. Bên cạnh những vấn đề nội tại của nền kinh tế, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ vẫn có khả năng tiếp diễn và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Ông Phạm Thế Linh - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân trẻ TP Biên Hoà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh chia sẻ tại hội nghị
Ông Phạm Thế Linh - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân trẻ TP Biên Hoà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh chia sẻ: Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, do nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như thế giới sụt giảm mạnh trước những tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của tất các doanh nghiệp trên cả nước. Để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và đạt được mục tiêu kinh doanh trong năm 2024, ở góc độ là cộng đồng Doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai, chúng tôi mong muốn ngành công thương, lãnh đạo các ban ngành cùng nhau phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp kết nối để doanh nghiệp phát triển ổn định thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó, có việc đẩy mạnh Phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bên việc đẩy mạnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đàm phán ký kết thêm các hiệp định mới; thúc đẩy quảng bá các sản phẩm và hình ảnh của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tuyết Trang (T/h)
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-than-trong-hon-trong-ke-hoach-san-xuat-kinh-doanh-a157201.html