Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho 6 ngân hàng nào?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới room tăng trưởng tín dụng của 6 ngân hàng cổ phần. Đâu là các nhà băng - "điểm nóng" của năm nay?

Với định hương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, năm 2021, NHNN đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đáp ứng đủ 2 yếu tố: Có sức khỏe tài chính; Có khả năng tăng trưởng. Theo đó, các ngân hàng được nới room tăng trưởng tín dụng bao gồm: Techcombank(TCB),  ACB (ACB), VPBank(VPB), TienPhongBank(TPB), VIB (VIB), và MBBank(MBB). Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với việc kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng hồi phục và đạt khoảng 11 - 12% trong năm 2021, NHNN đã nới room tăng trưởng cho nhóm ngân hàng tư nhân năng động này. Nhóm ngân hàng này sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2020 khi nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng cá nhân đang tăng trở lại.

Phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank(VCBS) cho thấy, nhóm ngân hàng lớn Big4 như Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank tiếp tục phải chịu áp lực giảm lãi suất đầu ra khi NHNN chưa có động thái thay đổi về chính sách điều hành. Do đó, biên lãi ròng NIM của nhóm này giảm trong năm 2020 so với năm 2019 và chưa thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2021. Còn nhóm ngân hàng cổ phần năng động (ACB, MBB, TCB, VPB, VIB, TPB) là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn về tín dụng do có nguồn lực tốt hơn (hệ số CAR cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào) và quy mô nhỏ.

Ngoài ra, áp lực giảm lãi suất đầu ra thấp hơn nhóm ngân hàng lớn giúp cho nhóm này giữ được biên lãi ròng NIM cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó, Thông tư 01/2020 hết hiệu lực trong năm 2021 -Thời điểm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát sau khi nhiều nước có thể sản xuất đại trà vaccine phòng bệnh.

Có thể nói, với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng dự kiến chỉ ở mức 0,5 – 1% tổng dư nợ và sẽ có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản. Theo đánh giá, nhóm các ngân hàng tư nhân đã thực hiện trích lập cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021. Nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong 2 năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5...

Những yếu tố trên là "đòn bẩy" tích cực khiến giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân đã có sự bứt phá vượt trội hơn nhóm ngân hàng Big 4.  Tính đến thời điểm này, cổ phiếu VPB cán mốc 40.000 đồng/cp; VIB 39.0000 đồng/cp, TCB cán mốc 39.000 đồng/cp; MBB 27.000 đồng/cp; ACB 33.000 đồng/cp... Cộng hưởng với quyết định được nới room tăng trưởng tín dụng, nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng tư nhân và cổ phiếu nhóm ngân hàng này.

 

Theo Hà Phương

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nam-2021-ngan-hang-nha-nuoc-noi-room-tin-dung-cho-6-ngan-hang-nao-a15795.html