Nhiều xe ô tô kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình

Tại Tp.Đà Nẵng, chỉ trong tháng 1 có 9.406 ô tô kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, tháng 2 là 10.428 xe và tháng 3 là 11.801 xe.

Nhiều xe vi phạm 

Kết quả trích suất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong quý I năm 2024 trên phần mềm Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, rất nhiều phương tiện vi phạm hiện thời gian làm việc trong ngày và thời gian lái xe liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật giao thông đường bộ và thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện không truyền dữ liệu về phần mềm Cục Đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 1 có 9.406 ô tô kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, tháng 2 là 10.428 xe và tháng 3 là 11.801 xe.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhiều xe ô tô kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình

Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Các phương tiện vi phạm thời gian làm việc, thời gian lái xe trong quý là hơn 20.000 xe. Trong đó, tháng 1 có 6.030 xe quá trên 4 tiếng, thậm chí quá cả 10 tiếng; tháng 2 là 7.383 xe và tháng 3 là 6.119 xe.

Có thể kể đến những doanh nghiệp được đưa vào “danh sách đen” có nhiều xe ô tô không truyền dữ liệu như Công ty cổ phần Bình Vinh II; Công ty cổ phần Mai Linh Hải Vân; Công ty CP VT&DV Phú Hoàng; Công ty TNHH Song Toàn; Công ty TNHH Duy Thịnh; Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Tân Minh Toàn; Công ty Cổ phần TM và VT Petrolimex Đà Nẵng; Công ty TNHH Hoàng Bảo Anh…

Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, theo điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa hoặc xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thiết bị này lưu trữ và truyền dẫn thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Nghị định này cũng quy định không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô.

Do luật quy định đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị tước phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km trong 1 tháng nên theo ông Cao, nhiều nhà xe đã lắp thêm thiết bị có thể tắt sóng của thiết bị giám sát hành trình nhằm thỏa sức chạy quá tốc độ, coi thường tính mạng hành khách.

Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), trường hợp không lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc dù đã có gắn nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định, hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị trên ô tô thì tài xế sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Chủ xe là cá nhân kinh doanh bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng, nếu là doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị phạt từ 10 đến 12 triệu đồng.

Cần có sự chung tay của nhiều địa phương

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi công an và Sở GTVT các tỉnh, thành, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô… về việc tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Sở GTVT thành phố Đà Nẵng đề nghị công an, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp và chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra phương tiện, xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhiều xe ô tô kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (Hình 2).

Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng.

Sở cũng đề nghị đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô rà soát lại toàn bộ phương tiện, duy trì hoạt động của các thiết bị giám sát hành trình truyền dẫn, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu theo quy định…

Cạnh đó, các đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe khách có trách nhiệm kiểm tra điều kiện an toàn của ô tô, tài xế. Nếu phát hiện phương tiện thiết bị giám sát hành trình và camera không truyền dữ liệu, lái xe uống rượu bia thì dừng ngay việc ký lệnh xe xuất bến.

Duy trì thường xuyên kiểm tra điều kiện của phương tiện, đặc biệt đối với xe chạy ban đêm có cự ly trên 300km, nhất là xe giường nằm. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì kiên quyết không cho xe xuất bến và thông báo cho đơn vị quản lý biết để khắc phục và bố trí xe thay thế. Nếu đơn vị không khắc phục, yêu cầu bến xe báo cáo về Sở GTVT để xử lý đơn vị có phương tiện đó.

Đồng thời, Sở GTVT cũng giao thanh tra sở phối hợp các lực lượng chức năng xử lý nghiêm phương tiện vi phạm. Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới không cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới nếu thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với xe phải lắp đặt) không hoạt động hoặc không có tín hiệu truyền dẫn.

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nhieu-xe-o-to-kinh-doanh-van-tai-khong-truyen-du-lieu-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-a162527.html