Thời gian gần đây, tình trạng tắc nghẽn kéo dài giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) đang khiến các nhà đầu tư trở nên mệt mỏi khi bảng giá bị lỗi hiển thị, nghẽn lệnh liên tục, nhiều người thậm chí mất cơ hội mua/bán giá tốt khi thị trường gắp sự cố.
Chiều 9/3, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với tập đoàn FPT để bàn giải pháp xử lý nghẽn lệnh trên sàn HoSE. Ông Dũng nhấn mạnh tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên HOSE trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm.
Tại buổi làm việc, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm cùng bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HoSE trong thời gian nhanh nhất.
Trước thông tin này, trong tối cùng ngày, “ông trùm” chứng khoán Nguyễn Duy Hưng đã có động thái trên trang facebook cá nhân bày tỏ việc nghi ngờ khả năng xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE của FPT sau 3 tháng. Cùng với đó, ông Hưng còn đặt vấn đề FPT hay Uỷ ban chứng khoán sẽ “chịu trách nhiệm” nếu không xử lý được?!
Không giống hầu hết các “ông trùm” ở Việt Nam, những người luôn kín tiếng và tránh gây sự chú ý thì ông Hưng không ngại bày tỏ ý kiến của mình một cách công khai. Ông thường xuyên đăng trên trang facebook cá nhân của mình. Quan điểm nói trên của ông Hưng đã nhận phải vô vàn ý kiến từ nhà đầu tư và chuyên gia trên thị trường. Ông Nguyễn Duy Hưng là ai mà lại có sức ảnh hưởng đến như vậy?
Theo giới thiệu, ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962, là con cả trong gia đình có 4 anh, chị em. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Hưng học đại học Tổng hợp TP.HCM. Những năm 1980, vừa đi học ông Hưng vừa bán hàng mỹ nghệ kiếm tiền. Ra trường, ông làm thư ký riêng cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ khả năng tiếng Đức.
Năm 1993, ông Hưng cùng một số người bạn lập ra PAN Pacific với số vốn vài chục triệu đồng, chuyên tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài với hai thương vụ nổi tiếng là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình.
Năm 1998, PAN trở thành công ty cung cấp dịch vụ lau chùi, quét dọn chuyên nghiệp. Sau này, PAN dịch chuyển thành công ty đầu tư vào chuỗi giá trị khép kín trong nông nghiệp. Năm 1999, ông Hưng sang Thái Lan học về đầu tư, ông về nước lập ra chứng khoán SSI.
Gọi ông là “ông trùm” chứng khoán bởi ông giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty CP Chứng khoán SSI – công ty chứng khoán lớn nhất, ra đời sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (30/12/1999).
SSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn điều lệ trên 6.029 tỷ đồng.
Trải qua hành trình dài 20 năm với nhiều thăng trầm, tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, “đế chế” SSI được lãnh đạo bởi doanh nhân Nguyễn Duy Hưng có tổng giá trị tài sản gần 36.000 tỷ đồng.
Hiện ông Hưng đang nắm giữ hơn 10 triệu cổ phiếu công ty SSI (chiếm tỷ lệ 1,7%) và hơn 5 triệu cổ phiếu công ty PAN (chiếm tỷ lệ 2,36%) với tổng giá trị tài sản lên tới 580 tỷ đồng.
Nguyễn Thu Huyền
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ong-trum-chung-khoan-ssi-nguyen-duy-hung-la-ai-a16364.html