Thơ Nguyễn: Từ Youtuber triệu like thành người bị tẩy chay
Thơ Nguyễn, YouTuber sở hữu 8,74 triệu lượt follow, nổi tiếng với các nội dung hướng đến trẻ em vừa đón nhận những chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng - đặc biệt là các bậc phụ huynh - sau đoạn clip “xin vía học giỏi” từ búp bê Kumanthong.
Sau sự việc, Youtuber Thơ Nguyễn đã bị Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) phối hợp với Bộ Công an mời lên làm việc và sẽ xử lý theo quy định.
Những chia sẻ của Thơ Nguyễn trong đoạn clip được cho cổ súy mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ.
Đây cũng không phải lần đầu tiên YouTuber này gây tranh cãi vì các nội dung phản cảm, không phù hợp với trẻ em.
Dẫu vậy, kênh YouTube của Thơ Nguyễn vẫn có lượt theo dõi và lượt xem rất cao, điều không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nhân vật trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo thống kê của Social Blade, chỉ trong vòng 5 năm, Thơ Nguyễn đã đăng tải 1.192 video trên nền tảng YouTube, thu về 6,3 tỷ lượt xem, với ước tính thu nhập hàng tháng rơi vào khoảng từ 500 triệu cho đến 9 tỷ đồng.
Ngoài thu nhập từ YouTube, Thơ Nguyễn hiện đang là gương mặt quảng cáo cho thương hiệu sữa Kun. Hình ảnh của cô xuất hiện trên bao bì của sản phẩm sữa dành cho trẻ em, kèm theo cả chữ ký như một thần tượng được mến mộ.
Trong nhiều video của mình, nữ YouTuber cũng thường xuyên “khoe khéo” thương hiệu sữa đang hợp tác. Ngoài ra, hình ảnh Thơ Nguyễn cũng xuất hiện trong các video quảng cáo, trên các vật phẩm đi kèm của sản phẩm.
Ngay sau vụ bê bối, dù Thơ Nguyễn đã lên tiếng giải thích, nhưng đông đảo bậc phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục chỉ trích lên án nội dung Youtuber này đã đăng tải. Trong khi đó, có nhiều ý kiến của cha mẹ cho rằng không nên cho con cái sử dụng sản phẩm sữa do Thơ Nguyễn làm đại diện vì hình tượng của cô đã trở nên tai tiếng.
Có thể nói, thương hiệu sữa Kun đang gặp phải tai bay vạ gió khi người đại diện quảng cáo của mình đang gặp những rắc rối về mặt hình ảnh. Điều này có thể ảnh hưởng lớn góc độ thương hiệu của sữa Kun trên thị trường, vốn đã gây dựng được danh tiếng tốt trong thời gian gần đây.
Sữa Kun của ai?
Sữa Kun là một trong những sản phầm của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP). Theo thông tin trên trang web của công ty, IDP có vốn đầu tư nước ngoài, là thành viên liên doanh của Tập đoàn VinaCapital VOF và Daiwa PI Partners đến từ Nhật Bản.
Được thành lập từ năm 2004 tại Hà Nội, công ty được rót vốn 75 triệu USD từ liên doanh nói trên vào năm 2014. Cái tên IDP có thể không được nhiều người biết đến, nhưng sản phầm của công ty đã quen mặt thị trường từ lâu với những thương hiệu như sữa Lif, sữa Kun, sữa Ba Vì, sữa chua Men Sống…
Sau nhiều năm phát triển về cơ sở vật chất và xây dựng thương hiệu, IDP mới chỉ ăn nên làm ra trong giai đoạn từ 2019-2020. Theo thông tin được đăng tải trên báo chí, công ty liên tục báo lỗ lên đến hơn 200 tỷ đồng vào các năm 2016, 2017, chỉ đến năm 2018 mới giảm xuống 44 tỷ.
Trong báo cáo tài chính năm 2020, IDP đem về 3.836 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng 505 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với 2019.
Sự lột xác của IDP vào năm 2020 cũng diễn ra vào thời điểm chuyển giao chủ sở hữu, khi các nhà đầu tư liên quan đến VinaCapital đã thoái hết vốn, chuyển giao lại cho nhóm nhà đầu tư mới gồm Bluepoint (60,6%), VCSC (15%) và Lothamilk (10,2%) vào tháng 12/2020.
Bên cạnh đó là sự cải tổ đội ngũ ban lãnh đạo với những cái tên nổi danh như Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt Tô Hải giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Phó Giám đốc điều hành VinaCapital Đặng Phạm Minh Loan giữ vị trí Tổng giám đốc.
Đầu năm 2021, IDP cũng được Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Có thể thấy, IDP là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh hàng đầu trong ngành tiêu dùng, đồng thời đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong thị trường sữa vốn là nơi thống trị của các ông lớn như Nutifood, Dutch Lady và TH true Milk.
Với đà phát triển tiềm năng khi có nhà đầu tư mới, đội ngũ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, IDP có khả năng sẽ tiến xa hơn trong các năm tới về tăng trưởng doanh thu.
IDP có ảnh hưởng bởi bê bối Thơ Nguyễn?
Với bê bối Thơ Nguyễn, hiện mức độ ảnh hưởng đối với thương hiệu sữa của IDP chưa được đo đếm, khi những phản ứng của các bậc phụ huynh còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa tạo thành trào lưu tẩy chay ở quy mô lớn.
Thông thường, khi các nhân vật ảnh hưởng là đại diện thương hiệu hay có hợp đồng quảng cáo có những bê bối mang đến nguy cơ tiêu cực, các công ty sẽ xem xét mức độ tác động và điều khoản trong hợp đồng với nhân vật để có các hướng giải quyết phù hợp, bao gồm cả chấm dứt hợp tác.
Một ví dụ mới đây như nữ diễn viên Trịnh Sảng của Trung Quốc, vì những bê bối đời tư đã bị khán giả tẩy chay, hàng loạt nhãn hàng danh tiếng như Prada, Lola Rose, Chioture cắt hợp đồng.
Hải Tú, nữ người mẫu xuất hiện trong các MV ca nhạc đình đám cũng được cho là đã bị một số nhãn hàng ngừng sử dụng hình ảnh khi vướng vào những nghi vấn, đồn đoán chưa được xác thực thời gian qua.
Năm ngoái, trong cuộc tranh cãi với anti-fan, hoa hậu chuyển giới Hương Giang cũng bị nhãn hàng cắt hợp đồng.
Có thể thấy, khi gương mặt đại diện vướng vào những bê bối khiến công chúng tẩy chay, các thương hiệu lớn thường chọn giải pháp an toàn nhất để bảo vệ mình.
Trương Mạnh Kiên
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/sua-kun-thuong-hieu-bi-tai-bay-va-gio-vi-tho-nguyen-la-cua-ai-a16558.html