Sẽ tước giấy phép một số doanh nghiệp xăng dầu
Chiều 12/3, tại buổi họp báo thường kỳ của bộ Công Thương, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ này trong việc để xảy ra tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả kém chất lượng quy mô lớn thời gian vừa qua.
Nổi bật gần đây là đường dây pha chế 2,7 triệu lít xăng giả bị phát hiện khi công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng công an tỉnh Đồng Nai và bộ Công an tiến hành khám xét hàng loạt cây xăng lớn trên địa bàn TP.Thuận An.
Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (bộ Công Thương) cho biết, có nhiều Bộ ngành tham gia quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó vai trò của bộ Công Thương liên quan trực tiếp đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn; bộ Khoa học và công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế và các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn mình.
Theo đó, Nghị định 83/2014 quy định, bộ Công Thương có chức năng chính là chủ trù phối hợp với bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối.
"Theo chức năng nhiệm vụ của bộ Công Thương thời gian qua, kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 cơ bản được thi hành, đáp ứng tốt. Tuy nhiên, có một số thương nhân có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm Nghị định 83 trong việc duy trì những điều kiện kinh doanh", ông Đông nói.
Vị này cũng cho biết, bộ Công Thương thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Ngay cuối năm 2020, Bộ đã kiểm tra và sắp tới, sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định.
Những đơn vị bị kiểm tra đều là những doanh nghiệp có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014. Thậm chí, còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hoạt động tài chính, sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu để huy động vốn ngân hàng, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, ông Đông cũng thông tin thêm về việc bộ Công Thương đang soạn thảo, sửa đổi Nghị định 83 để khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất và tăng cường phối hợp để thanh tra, kiểm tra mặt hàng xăng dầu.
Thủ đoạn làm giả xăng dầu diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như: Vi phạm tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo; Không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu; Bán xăng dầu ngoài hệ thống; Kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực; Bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Bán xăng dầu nhập lậu; Bán xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ; Không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm nhằm thu lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.
Theo ông Minh, việc kiểm tra xăng dầu hiện nay gặp một số khó khăn như trên thị trường, các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu được mua khá dễ dàng, nếu các đối tượng có ý gian lận, làm giả xăng dầu thì rất dễ thực hiện.
Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu tại thị trường trong nước.
Thu Huyền
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bi-hoi-ve-trach-nhiem-vu-27-trieu-lit-xang-gia-bo-cong-thuong-noi-gi-a16575.html