Vào ngày 14/3, ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, cũng như một vài quốc gia khác, mọi người sẽ tổ chức một ngày lễ tình nhân thứ hai, còn được gọi là Valentine Trắng (White Day).
Trong khi Ngày lễ Valentine ở phương Tây là dịp để các cặp đôi tặng sôcôla và quà cho nhau như một cách để thể hiện tình cảm, thì ở Nhật Bản và các quốc gia khác, Valentine Trắng lại có cách thức hơi khác một chút.
Những ngày đầu tháng 3, các cửa hàng ở Tokyo đã bắt đầu trưng bày và bán sôcôla trắng, các loại kẹo dẻo marshmallow và các loại quà tặng (thường được đựng trong bao bì màu trắng) để phục vụ cho sự kiện lớn này.
Vậy ngày lễ màu trắng này là gì và bắt nguồn từ đâu?
Câu trả lời là Valentine Trắng chính là ngày đáp lễ với Ngày lễ Valentine 14/2 ở Nhật Bản, khi phụ nữ sẽ thường là người tặng sôcôla đắt tiền cho người đàn ông mà mình yêu thương, cũng như tặng các loại sôcôla rẻ hơn cho đồng nghiệp, sếp và đôi khi là anh trai trong gia đình. Valentine Trắng là ngày mà đàn ông sẽ tặng lại sôcôla cho phụ nữ.
Valentine Trắng có thể không rầm rộ bằng Ngày lễ Valentine thông thường, nhưng vào năm 2014, thị trường này đã đạt gần 578 triệu USD, theo Forbes.
Lý do Valentine Trắng ra đời
Theo Bộ Thương mại Mỹ và các nguồn tin khác, Valentine Trắng thực chất là sáng kiến của một thương hiệu bánh kẹo nhỏ có tên Ishimura Manseido ở vùng Hakata vào những năm 1970. Năm 1977, quản lý của cửa hàng là Zengo Ishimura trong lúc tìm kiếm cảm hứng trên các tạp chí dành cho phụ nữ đã bị thu hút sự chú ý vào bức thư của một người phụ nữ.
Người này viết: “Không thực sự công bằng khi đàn ông nhận được sôcôla từ phụ nữ vào ngày lễ tình nhân nhưng họ không đáp lại. Tại sao họ không cho chúng ta một cái gì đó? Một chiếc khăn tay, kẹo, thậm chí là kẹo dẻo…”
Ishimura tự nhủ rằng, nếu như phụ nữ cảm thấy việc được đáp lễ ngày lễ tình nhân bằng những viên kẹo dẻo cũng đủ để hạnh phúc, thì tại sao không tạo ra một ngày đặc biệt dành cho nam giới để họ bày tỏ điều này?
Ngay sau đó, Ishimura cũng làm ra một món đồ ngọt mới làm từ kẹo dẻo với nhân sô cô la bên trong, nhằm biểu trưng cho tình cảm ngọt ngào.
Trong một cuộc họp của công ty, Ishimura đã yêu cầu các nữ nhân viên chọn một ngày để phụ nữ được tặng lại quà. Ngày 14/3, đúng một tháng sau Ngày lễ Valentine truyền thống đã được số đông đồng tình.
Năm 1978, với sự hợp tác của một cửa hàng bách hóa địa phương, Iwataya, Valentine Trắng đầu tiên được tổ chức, nhưng với tên gọi “Ngày Marshmallow”. Sau đó, cửa hàng mới đề xuất đổi tên thành "White Day". Từ đó, một truyền thống mới đã ra đời.
Đến những năm 1980, Valentine Trắng đã lan rộng khắp Nhật Bản, với món quà thường được tặng là sôcôla trắng. Đài Loan và Hàn Quốc cũng bắt đầu đi theo trào lưu này.
Kaori Shoji, một tác gia cho biết, Valentine Trắng là một trong những ngày lễ yêu thích của cô và là một sự kiện bán lẻ lớn trong cả nước. Tại nhiều văn phòng, nam giới có thói quen mua một hộp kẹo lớn cho nhân viên nữ vào ngày này.
Tuy nhiên, mua quà cho người yêu thì phải lãng mạn hơn thế. Trong những năm gần đây, nam giới sẽ mua bánh pudding đắt tiền từ các cửa hàng nổi tiếng.
“Hầu hết phụ nữ đều biết cửa hàng nào bán bánh pudding ngon nhất. Sẽ ghi điểm nếu anh chàng xếp hàng mua bánh pudding. Càng ghi điểm thêm nữa nếu anh chàng của bạn chụp ảnh tự sướng khi xếp hàng chờ đợi, sau đó gửi cho bạn gái của mình, đồng thời cô ấy có thể đăng bức ảnh đó lên Instagram như một minh chứng cho thấy anh ấy yêu mình đến nhường nào”.
Mức độ phổ biến giảm dần?
Nhưng Shoji cũng lưu ý rằng Valentine Trắng dường như ít phổ biến hơn qua từng năm vì nam giới và phụ nữ đều thấy nghĩa vụ tặng quà trở nên tẻ nhạt và ngày càng ít phụ nữ tặng sôcôla “tình yêu đích thực” cho bất kỳ ai.
Phòng Nghiên cứu Văn hóa Kinenbi trích dẫn rằng đó là lý do khiến họ dự đoán thị trường Valentine Trắng năm 2018 ở Nhật Bản giảm 10% so với năm trước, vốn ở mức 500 triệu USD.
Valentine Trắng ở Nhật Bản phụ thuộc vào việc nam giới nhận quà trong Ngày lễ Valentine, và nếu ít phụ nữ tặng quà hơn, Valentine Trắng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trương Mạnh Kiên
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/valentine-trang-la-ngay-vo-nghia-duoc-tao-ra-de-moc-tui-tien-dan-ong-a16698.html